“Làm mới” khái niệm bảo tồn
Trong mắt người già 23/11/2021 14:57
Các nhà khoa học, sử học, triết gia cho rằng giá trị của đối tượng chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động bảo tồn di sản.
Giá trị di sản là một khái niệm hết sức phức tạp, phụ thuộc vào những quy ước và sự thẩm định. Tháp Eiffel ở Paris từng bị người dân, các văn nghệ sĩ, chuyên gia kiến trúc, đô thị thời đó chê bai là “xấu xí”, “bộ xương”, “ống khói”… và suýt bị dỡ bỏ. Nay tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng nổi bật của Paris, có sức hút vượt xa nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác tại đây.
Cầu Long Biên, một công trình do Pháp xây dựng, cùng thời gian, nay cây cầu đã trở thành một di sản có giá trị lịch sử.
Rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố còn lại đến nay vẫn có giá trị vì giữ được tính nguyên trạng, dần trở thành những di sản quý.
Phương án 1 đưa Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28m so với hiện nay |
Dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt, một công trình do Pháp xây dựng với kiến trúc đặc trưng gắn với lịch sử đã trở thành một di sản quý của thành phố du lịch trên đất cao nguyên.
Không rõ nhằm mục tiêu gì, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị cho ý kiến về các phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình (TP Đà Lạt). Theo UBND tỉnh này, phương án 1 được đa số các ý kiến đồng thuận, cũng như đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn là phương án Hotel du Printemps, một cái tên lạ lẫm với di tích. Theo đó “Công trình (Dinh tỉnh trưởng) được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (nâng cao 28m), mở cửa cho mọi người…”. Và “để mang đến cho người dân, du khách thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại, khu vực bảo tồn sẽ có thêm khách sạn thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế… nhằm kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại”…
Một công trình cần bảo tồn song lại “ở điểm cao mới” cùng quần thể khách sạn, trung tâm hội nghị (có thể sẽ “hoành tráng” hơn di sản hiện hữu…), vậy có còn ý nghĩa bảo tồn nguyên trạng? Cùng với di tích Dinh tỉnh trưởng, quần thể cây xanh ít ỏi còn lại không thể tách rời nay có nguy cơ “nhường đất” cho các công trình mới. Việc nâng cao lên 28m phải chăng để di tích không “lép vế” trước các công trình hiện đại chẳng liên quan tới “nhân vật chính” là Dinh tỉnh trưởng?
Có thể khẳng định, đây là cách “làm mới” khái niệm bảo tồn, chuyển từ một di sản lịch sử văn hóa thành quần thể dịch vụ, kinh doanh thu lợi nhuận. Liệu các công trình mới bổ sung có gắn kết và nâng lên giá trị cốt lõi, vốn có của di tích?
Đã có không ít di sản bỗng dưng biến mất hoặc “trẻ hóa” vì hoạt động bảo tồn tùy tiện, thiếu khoa học, không chuyên nghiệp.
Đà Lạt là một thành phố du lịch nên rất cần bảo vệ, lưu giữ các di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái tự nhiên.
Mong rằng di tích Dinh tỉnh trưởng của Đà Lạt không theo những “tấm gương” bảo tồn kiểu “làm mới”.