Những “lão nông” làm kinh tế giỏi ở xứ dừa
NCT làm kinh tế giỏi 15/01/2024 16:23
Ông Cù Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới, ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành chuyên kinh doanh và sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa; doanh thu đạt 1,6 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 1.200 công nhân. Nhờ tích cực tìm tòi khoa học kĩ thuật, không ngừng đổi mới nên sản phẩm làm ra của Công ty đã được được cấp chứng chỉ hệ thống quản lí an toàn thực phẩm ISO 22.000:2005, HACCP do Tổ chức chứng nhận SGS của Thụy Sĩ cấp. Ngoài ra, Công ty còn tích cực tham gia công tác từ thiện, đóng góp 3,5 tỉ đồng/năm ủng hộ các quỹ vì người nghèo, hỗ trợ người nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt và xây dựng 6 căn nhà tình thương cho người lao động hoàn cảnh khó khăn. Từ những việc làm ý nghĩa đó, ông được UBND tỉnh, huyện khen thưởng.
Ông Trần Văn Hưng, kiểm tra nguồn nước tại ao nuôi tôm của gia đình |
Còn đối với ông Trần Bá Sanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Ba Lan xã Phú Nhuận, TP Bến Tre lại thành công từ mô hình Khu du lịch sinh thái Lan Vương, trở thành một trong những hội viên NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2018 - 2023. Là người cha, người ông, làm chủ gia đình và doanh nghiệp, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động con cháu, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đóng góp nghĩa vụ thuế đúng quy định; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Ngoài tạo kế sinh nhai cho 150 lao động, thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, ông còn đóng góp hàng trăm triệu đồng chăm lo người nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống Chính Dũng, ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách. Hằng năm, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường trên 1 triệu cây giống; doanh thu đạt 10 - 12 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định từ 30-40 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông ủng hộ và vận động người thân, bà con nhân dân đóng góp tiền, công làm nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn xã; ủng hộ các loại quỹ, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Bá Sanh với đội ngũ làm công tác quản lý khu du lịch. |
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, kết hợp làm đại lí thức ăn giúp con giống cho bà con cùng nhau phát triển kinh tế của ông Trần Văn Hừng, ấp Bình Trung, xã Định Trung, huyện Bình Đại có 5ha, ban đầu gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kĩ thuật, sau khi trừ chi phí lãi 1 tỉ đồng/năm. Để bảo đảm cho tôm phát triển, sinh trưởng tốt, ông còn mời các doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi và kĩ sư thủy sản tổ chức hội thảo chuyển giao kĩ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm và con giống có chất lượng tốt… Ông cùng doanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, tặng quà NCT nghèo, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dịp lễ, tết hằng năm… được cấp ủy đảng, chính quyền sở tại và bà con nhân trong xã ghi nhận, đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân NCT sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2018 – 2023. |
Phong trào NCT làm kinh tế giỏi không chỉ giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, mà còn góp phần xây dựng quê hương xứ dừa Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh. Để đẩy mạnh phong trào, thời gian tới, các cấp Hội NCT trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi; khuyến khích, động viên NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.