Kinh tế Ukraine khó trụ vững nếu chiến sự kéo dài
Quốc tế 17/05/2022 08:59
Là người chèo lái nền kinh tế giữa thời điểm chiến tranh, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko thể hiện sự lạc quan đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ, nước này bước vào cuộc chiến với nền tảng kinh tế vững, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7%/năm. Ukraine được hưởng lợi khi giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như ngũ cốc, quặng sắt, thép tăng cao. Ngành tài chính-ngân hàng được quản trị tốt, thâm hụt ngân sách trong năm 2021 dưới 3% GDP. Nợ của Ukraine dưới mức 50% GDP, một con số mà Bộ trưởng Tài chính nhiều nước phải mơ ước…
Nhưng mọi chuyện không phải dễ dàng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Ukraine có thể sẽ suy giảm tới 45% trong năm 2022. Thuế, hải quan, nguồn thu quan trọng của chính phủ, đã suy giảm, chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước xung đột do nhập khẩu thấp, nhiều sắc thuế được tạm ngưng. Chi lương cho lực lượng vũ trang cũng là một gánh nặng lớn. Thực tế này khiến ngân sách Ukraine bị thâm hụt 5 tỉ USD/tháng, tương đương 5% GDP của kinh tế Ukraine ở giữa thời chiến.
Lượng xe tải chở hàng từ Ukraine vào EU bị hạn chế do nước này chưa là thành viên của khối |
Để lấp đầy khoảng trống này, ông Marchenko cho biết, một phần là dựa vào việc in tiền của ngân hàng trung ương; một giải pháp khác là phát hành trái phiếu thời chiến, với mức lãi suất được chính phủ đề ra là 11%, thấp hơn tỉ lệ lạm phát hiện hành. Nhưng nguồn lực chủ yếu là hỗ trợ bên ngoài và đây cũng chính là lĩnh vực chi phối phần lớn tâm trí của Bộ trưởng Marchenko.
Mỹ là niềm hi vọng lớn nhất. Hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông đã yêu cầu Quốc hội thông qua khoản kinh phí bổ sung trị giá 33 tỉ USD để hỗ trợ Ukraine. Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua khoản ngân sách vượt đề xuất này lên 40 tỉ USD. Phần lớn là cho quân sự, nhưng cũng có ít nhất 8,5 tỉ USD là để hỗ trợ kinh tế Ukraine.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tham gia trợ giúp. IMF khuyến khích Mỹ và các nước phân bổ khoản vay cho Ukraine từ quyền rút vốn đặc biệt của những quốc gia này tại IMF, giúp chính phủ Kiev tiếp cận nguồn tiền mặt trực tiếp. Nhưng tính đến quý 2 năm nay, Ukraine mới nhận được 4,5 tỉ USD từ nguồn này, trong khi mức thâm hụt tài khóa là hơn 15 tỉ USD.
Tuy vậy, Bộ trưởng Marchenko thừa nhận nguồn hỗ trợ này không bền vững. Ông lo rằng, nếu chiến tranh kéo dài thêm “ba đến bốn tháng nữa” rất có thể Ukraine sẽ phải thực thi các biện pháp “đau đớn”, như tăng thuế, giảm chi tiêu. Nguy cơ lớn nhất sẽ là việc nền kinh tế tương đối thị trường được thiết lập trong vài năm trở lại đây sẽ đổ bể, khi Ukraine có thể buộc phải bắt tay triển khai làn sóng quốc hữu hóa.
Thách thức trực tiếp hiển hiện chính là mùa vụ. Mùa gieo hạt lúa mì, lúa mạch, hướng dương (lấy dầu) và nhiều loại ngũ cốc khác đã hoàn tất. Giữa chiến sự, diện tích gieo hạt vẫn đạt 80% so với mọi năm, nhưng làm gì với sản phẩm đầu ra là câu hỏi khó. Thu hoạch không phải là vấn đề lớn. Điểm nghẽn nằm ở xuất khẩu nông sản.
Hiện diện hải quân của Nga ở Biển Đen cũng như việc Ukraine triển khai thủy lôi phòng thủ ở khu vực này đồng nghĩa với việc cảng chính Odessa và các cảng lớn khác của Ukraine bị tê liệt hoàn toàn. Năng lực kho chứa cũng hạn chế, khi phần lớn các silo chứa ngũ cốc đầy ắp do sản lượng mùa vụ trước chưa thể xuất khẩu được.
Không xuất khẩu bằng đường biển, Ukraine sẽ phải tính đến giải pháp thay thế bằng đường bộ, đường sắt qua ngả Ba Lan, Romania và Hungary. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Hạ tầng Ukraine, các cung đường này không thể xử lí lượng xe tăng đột biến, trong khi các cảng thay thế có năng lực xếp dỡ hạn chế.
Điều tồi tệ chính là việc vận chuyển xuyên biên giới từ Ukraine sang Liên minh châu Âu (EU) rất khó khăn. Các chốt kiểm soát về hải quan, kiểm dịch đang gây ra tình cảnh ách tắc xe tải kéo dài 10km tại các cửa khẩu vào EU. Quy định của liên minh này nêu rõ, Ukraine không phải là thành viên, nên sẽ bị giới hạn lượng xe tải nhập cảnh vào EU…