Kiến nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ điều tra!
Pháp luật - Bạn đọc 05/05/2021 10:27
Bài 2: Lí lẽ của các cơ quan tố tụng liệu thuyết phục?
Đọc Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án, chúng tôi lấy làm băn khoăn khi xét thấy từ văn phong, ngôn từ, câu chữ đến chứng cứ, lí lẽ đều hết sức bất ổn. Nội dung vụ án được mô tả theo chúng tôi là rất sơ sài, đơn giản, thiếu tính logic, biện chứng và có chiều hướng theo ý đồ nên không có sức thuyết phục!. Thí dụ: “Do mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa Đỗ Ngọc Tú và Trương Hoàng Nam, Tú đã dùng li bia đánh Nam và Nam đánh lại Tú; sau đó Tú và Hùng đánh Nam. Nam bỏ chạy thì Tú và Hùng tiếp tục đuổi theo. Khi Nam bị ngã xuống đất, Hùng và Tú dùng ghế gỗ đánh Nam, Nam lấy dao xếp gắn trong chùm chìa khóa mang theo người đâm vào vùng ngực của Tú và Hùng làm Tú tử vong còn Hùng bị thương 37%”.
Chẳng nhẽ chỉ một lời nói của Nam: “Đừng bao giờ gọi tao bằng anh nữa” mà Tú dùng li bia đánh vào mặt Nam? Một số nhân chứng cho biết: Trong lúc lời qua tiếng lại, Tú chỉ đưa đưa li bia ra trước mặt, chứ không phải đánh vào mặt. Nếu đúng như vậy thì tính chất của hành vi đã khác rồi. Thực tế, cả Kết luận điều tra và Bản án của Tòa đều không nói rõ đánh như thế nào và tại sao không tạo nên thương tích?
Con dao gây án hiện Cơ quan điều tra đang giữ. |
Theo bà Nguyễn Thị Thạt, đó là nhận định không khách quan, làm sai lệch hành vi của Nam. Bà Thạt trích dẫn Bút lục số 53, Trương Hoàng Nam khai với cơ quan điều tra, lúc 7 giờ 30 phút ngày 11/6/2018: “Trong qúa trình ăn nhậu, Tú có thái độ và lời nói hỗn láo nên tôi (Nam) cầm li bia thủy tinh sang chửi Tú”. Kết luận điều tra của cơ quan điều tra mô tả: “Trong lúc nhậu, do thấy Tú nhỏ tuổi lại không chào hỏi nên Nam cầm li bia sang bàn nói với Tú: “Mày đừng bao giờ gọi tao bằng anh nữa”. Như vậy, theo chính lời khai của Nam, thì Nam là người gây sự trước chứ sao lại đổ lỗi cho Tú? Biên bản pháp y thể hiện: “Đỗ Ngọc Tú bị Trương Hoàng Nam gây ra tất cả 9 vết thương ở nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó có những nhát đâm từ phía sau, đâm thủng tim”. Tương tự, Nam đâm Trần Văn Hùng 4 nhát vào ngực. Viện KSND đánh giá: “Hùng không chết là ngoài ý muốn của Nam”. Vậy tại sao Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm lại nhận định: “Việc Nam chống trả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình là chính đáng,… thuộc trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ”, để từ đó chuyển tội danh và hạ thấp mức hình phạt?
Chiếc áo được cho rằng Đỗ Ngọc Tú mặc |
Bên cạnh một số tình tiết trên, hồ sơ vụ án còn rất nhiều tình tiết bộc lộ vụ án có những dấu hiệu bị làm sai lệch, gượng ép, theo ý đồ chủ quan, chưa làm rõ đến cùng sự thật, như lời khai của anh Ngô Quang Trung, chủ quán cafe đối chứng Milano, số 55 Khúc Thừa Dụ, được ghi vào bản án: “Khoảng 16 giờ ngày 10/6/2018, khi đang ở quán cafe của anh tại 55 Khúc Thừa Dụ, tôi thấy một thanh niên mặc áo màu xanh đậm và một thanh niên mặc áo màu xanh da trời đuổi đánh một người mặc áo caro. Người bị đuổi chạy vào quán của anh, sau đó chạy ra đoạn đường Khúc Thừa Dụ - Phùng Hưng. Đến ngã tư Phùng Hưng - Khúc Thừa Dụ (chứ không phải Lý Nam Đế như được ghi trong bản án) thì thấy anh mặc áo xanh đậm dùng ghế trên tay đánh anh mặc áo caro, sau đó ghế rơi xuống đất thì người mặc áo xanh da trời tiếp tục nhặt lên đánh vào người mặc áo caro”. Bản án của Tòa sơ thẩm không thể hiện lời mô tả của anh Trung về hành vi dùng dao đâm nhiều nhát của Nam đối với Tú và Hùng. Ông Võ Xuân Hồng, chủ quán cafe Mùa Xuân đối diện quán nhậu 59 và quán cafe Milano 55, khẳng định: “Người bị chết chính là người bị đuổi”. Bà Thạt cho biết: Tại Tòa phúc thẩm bà Thạt khai: Con bà còn bị đánh gẫy tay. Tòa bỏi: Gãy tay nào? Bà Thạt trả lời: Tay phải. Ngay lập tức Trương Hoàng Nam trả lời: Tay trái. HĐXX cắt lời cả hai người. Lời khai của bà Thạt cũng như sự thừa nhận của bị cáo Nam phù hợp với lời khai của nhân chứng Ngô Quang Trung được ghi trong bản án: “Anh mặc áo xanh đậm dùng ghế đánh anh mặc áo caro…”. Án phúc thẩm ghi theo án sơ thẩm là: “Bị cáo đồng thời là bị hại Trần Văn Hùng khai: Tú mặc áo màu xanh nước biển”. Còn bị cáo Nam thì lại khai, người mặc áo caro màu trắng, xanh chính là Nam. Vậy mà, tại cơ quan điều tra vật chứng của vụ án lại là chiếc áo caro màu trắng, xanh đẫm máu được Điều tra viên Nguyễn Quang Tấn Sơn cất giữ. Chiếc áo đó lột ra từ thi thể của Đỗ Ngọc Tú?!. Như vậy rất có khả năng Tú là người bị Nam đuổi đánh chứ không phải Nam bị Tú đuổi đánh! Tất cả những tình tiết bất cập trên, phải được giải quyết, làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Chưa hết, tại phiên tòa phúc thẩm, Trần Văn Hùng khai: “Khi Tú bỏ chạy thì Nam đuổi theo túm cổ áo kéo lại và đâm Tú nhiều nhát”. Bà Thạt chắc chắn đó là lời khai chính xác, phù hợp với lời khai của ông Võ Xuân Hồng “người bị đuổi là người đã chết”; nhưng HĐXX phúc thẩm lại cho rằng không có cơ sở để xem xét vì tại sao trong quá trình điều tra Hùng không khai với cơ quan điều tra mà nay ra tòa phúc thẩm mới khai?
Trong bản tường trình diễn biến vụ việc từ khi nhận được tin Tú bị đâm chết đến khi nhận lại các di vật của con mình từ Điều tra viên Nguyễn Quang Tuấn Sơn, bà Thạt khẳng định: Khi con bà bị đâm chết, bà ôm xác con đi hết Bệnh viện Tâm Trí rồi lên Bệnh viện Quân đội 87, con bà mang chiếc áo caro trắng, xanh; cái áo đó chính bà mua cho con. Việc Nam khai hôm 10/6/2018, y mặc cái áo caro xanh, trắng là nói dối nhằm “đổi trắng thay đen”, biến người bị đuổi là Tú thành kẻ giết người.
Đây là những mâu thuẫn quan trọng đối với một vụ án mạng, nhưng tại sao các cơ quan tố tụng không tập trung làm rõ mà từ Cơ quan Điều tra đến Viện Kiểm sát và hai cấp tòa đều né tránh, làm cho vụ án trở nên thiếu logic, mâu thuẫn và mờ ám?