Kỉ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 2/9: Tuyên ngôn Độc lập thể hiện khát vọng của nhân loại
Nghiên cứu - Trao đổi 30/08/2023 09:30
Tội ác của bọn thực dân không thua kém gì bọn phát xít
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ thực dân Pháp đến Việt Nam cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta trong 80 năm qua thực chất không khác gì tội ác của chủ nghĩa phát xít đang bị nhân loại nguyền rủa vì “hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai đề cao sự dân chủ tự do vì chủ nghĩa phát xít đã bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của người dân, nhưng thực dân Pháp trong 80 năm thì lại “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.
Trong chế độ phát xít của nước Đức Quốc xã, những pháp luật dã man ra đời để phục vụ cho sự “thanh lọc chủng tộc”. Vậy mà, ở Việt Nam, hơn 80 năm thực dân Pháp đã thi hành những “luật pháp dã man” để phục vụ sự “khai hóa”.
Quang cảnh ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Nước Đức Quốc xã lập đầy rẫy các trại tập trung thì thực dân Pháp “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” tại Việt Nam. Nước Đức Quốc xã và thực dân Pháp cũng “ràng buộc dư luận” như nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra thực dân Pháp còn lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn đầu độc để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp thấy sự bóc lột của bọn thực dân Pháp về kinh tế đối với Nhân dân Việt Nam ta như sau: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Bản tuyên ngôn về quyền lợi của các dân tộc bị áp bức
Xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lí phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791), Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã có tác động định hướng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc và Nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là tiếng nói đại diện cho nhân loại tiến bộ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tinh thần của Bản Tuyên ngôn Độc lập do đó đã cổ vũ cho các thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập luôn mãi trường tồn với khát vọng của nhân loại. Sau này, Liên Hợp Quốc đã có những tuyên bố về quyền lợi các dân tộc. Năm 1960, Liên Hợp Quốc mới nhất trí được và đưa ra Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Tiếp sau đó, đến năm 1970, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc mới nhất trí được và đưa ra Tuyên bố chấm dứt vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện.