Không gian văn hoá của Nhà thuốc Thọ Xuân Đường trong “Lễ kỷ niệm 370 năm truyền thống”
Sức khỏe 08/03/2024 19:07
Trong Lễ kỷ niệm không gian đã tái hiện các hình ảnh, kỷ vật thể hiện cuộc đời của các lương y tiêu biểu, sự nghiệp làm thuốc cứu người của dòng họ, tư tưởng, đạo đức và truyền thống của một dòng họ với 17 đời liên tục đời nối đời vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Một dòng họ có 3 Ngự y Triều đình
Ngự y Phùng Văn Dương - Thái Y Viện triều đình nhà Lê năm 1653:
Vào thời Hậu Lê người đầu tiên khởi thủy nghề thuốc của Thọ Xuân Đường là cụ Phùng Văn Dương. Cụ Dương được tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện triều đình nhà Lê năm 1653.
Ngự y Phùng Văn Đồng - Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện:
Con trai cụ Dương là Lương y Phùng Văn Đồng (1713-1783), làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện.
Ngự y Phùng Văn Côn - Phó Ngự y triều đình dưới triều vua Quang Trung:
Lương y Phùng Văn Côn (1743-1822) là con trai cụ Đồng, cũng phục vụ trong quân y và được phong chức Tiến công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y Viện giữ chức Phó Ngự y triều đình. Như vậy cả 3 đời họ Phùng làm thuốc đầu tiên đều làm trong Thái Y Viện của triều đình và 2 đời được phong Ngự y (xếp vào hàng quan nh ất phẩm là bậc cao nhất thứ tự 9 bậc danh giá trong các đời vua).
Đôi đũa Kim Giao thử độc và Đồng tiền vàng Nhất phẩm đương triều
Đôi đũa Kim Giao thử độc và Đồng tiền vàng Nhất phẩm đương triều Vua Quang Trung ban tặng Ngự Y Phùng Văn Côn đến nay đã trở thành báu vật dòng họ Phùng cùng truyền thống làm thuốc của Thọ Xuân Đường.
Dưới triều vua Quang Trung (1788 – 1792), cụ Phùng Văn Côn do tham gia tích cực chữa trị cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn đã được vua Quang Trung tân phong “Oanh liệt Tướng quân”, ban thưởng một đôi đũa Kim Giao thử độc và một đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều” (bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá trong triều).
Tượng lương y Phùng Đức Hậu |
Tượng lương y Phùng Đức Hậu người khai sinh ra thương hiệu Thọ Xuân Đường
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Lương y Phùng Đức Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín (Hậu duệ đời thứ 14 của Lương y Phùng Văn Dương) đã lập ra Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tại Chợ Vồi, nay là thị trấn Thường Tín, Hà Nội. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường vừa là nơi chữa bệnh cho nhân dân, giúp đỡ người nghèo khổ, vừa là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của nhiều chiến sĩ cộng sản như: Đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thọ Chân - Ủy viên Trung ương Đảng nguyên Bộ trưởng Bộ Lao Động, đồng chí Bạch Thành Phong - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây,...và nhiều đồng chí khác. Vì những công lao với Đảng với dân, Gia đình ông đã được Chính phủ trao tặng “Kỷ niệm chương” và “Bằng có công với Nước”.
Bằng Kỷ lục Guinness nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam
Năm 2010, với 16 đời liên tục chữa bệnh cứu người Thọ Xuân Đường đã vinh dự được Hội Kỷ lục Gia Việt Nam, Tổ chức Guinness Việt Nam (thành viên của Tổ chức kỷ lục Guinness Thế giới) xác lập kỷ lục là Nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam. Đến nay đã có đời thứ 17 nối nghiệp tổ, nghề nhà là Lương y Phùng Đức Tùng – con trai TS. Lương y Phùng Tuấn Giang.
Bình sâm Ngọc Linh kỷ lục thế giới
Năm 2013, Củ sâm này đã được Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới xác lập kỷ lục "Củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới", củ sâm có chiều dài 80cm, to ngang 35cm, nặng 2,25kg, có tuổi đời 156 năm.
Ngoài ra, không gian truyên thống còn trưng bày: Dao cầu thuyền tán, gia phả cổ, sách y văn cổ… Và rất nhiều cuốn sách y học do TS. Lương y Phùng Tuấn Giang viết. Điển hình là cuốn “Nam y với sức khỏe người Cao tuổi” – đây là xuất bản phẩmh được Nhà nước đặt hàng xuất bản cuối năm 2023.
Cuốn sách ra đời với mong muốn sẽ trở thành bạn đồng hành với người cao tuổi, mang đến những kiến thức y khoa căn bản, những liệu pháp chữa bệnh bằng Nam y cho một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nội dung cuốn sách phù hợp với đối tượng người cao tuổi, người chăm sóc bệnh nhân cao tuổi, cuốn sách chỉ ra bản chất bệnh tật, những triệu chứng, bí quyết chữa bệnh bằng Nam y. Ngoài ra, nội dung còn phù hợp với đối tượng chuyên ngành y dược có thể tìm hiểu và tham khảo.
Cuốn sách có tham khảo các tài liệu y khoa trong nước và Quốc tế, kết hợp những tinh hoa quý báu của y học cổ truyền và văn hóa chữa bệnh của các dân tộc Việt Nam; đúc rút kinh nghiệm của bản thân qua quá trình nghiên cứu, chữa bệnh thực tế và học hỏi từ các quốc gia khác trên thế giới. Sách còn có chuyên trang về Phòng chống COVID-19 bằng Y học cổ truyền với những phân tích, phác đồ điều trị, biện pháp để nâng cao sức khoẻ bằng y học cổ truyền mà mỗi gia đình đều ứng dụng được.
Cùng với không gian truyền thống, không gian văn hóa trà đạo, văn hóa ca trù, văn hóa viết thư pháp và nặn tò he đã tạo nên một bức tổng hòa về nết nhà, nghiệp tổ và nét cổ truyền của dân tộc.
Tặng thư pháp đầu xuân
Tặng thư pháp đầu xuân được thực hiện bởi Thầy Lê tiên sinh (tên thật Lê Thiên Lý). Ngày nay, Thư Pháp là nét đẹp văn hóa đầu xuân không thể thiếu ở nhiều địa phương với ý nghĩa khai bút là “khai tâm, khai trí, khai sáng”.
Tiên sinh Lê hay nhà thư pháp Lê Thiên Lý là người con của mảnh đất Kiến Thụy, Hải Phòng - nơi từng tấc đất, địa danh đều nhuốm màu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng.
Tiên sinh Lê 2 lần được Bộ Văn hóa và Thông tin trao tặng bằng khen vào năm 1979 và 1980. Được nhiều giấy chứng nhận, giải thưởng, cúp vàng cao quý tại nhiều cuộc thi, triển lãm văn hóa do Sở Văn hóa - Thông tin TP Hải Phòng tổ chức. Được vinh danh trong kỷ lục Việt Nam và kỷ lục guiness thế giới với 1000 chữ Long thể hiện trên đĩa gốm Chu Đậu.
Tiếp tục xác lập kỷ lục năm 2021 với danh hiệu “Người thực hiện tranh hình bình từ tên Can Chi của các năm 2010 đến năm 2021 bằng tranh nghệ thuật thư họa đầu tiên tại Việt Nam”. Được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2014; “Nghệ nhân tiêu biểu toàn quốc” năm 2022 và hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề TP Hải Phòng; Giám đốc Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán - Nôm học Hải Phòng.
Lê Tiên Sinh đã trình diễn một tiết mục múa thư pháp rất điêu luyện trên sân khấu viết ba chữ Thọ Xuân Đường nhìn giống gương mặt TS. Lương y Phùng Tuấn Giang được rất nhiều khách quý trầm trồ và khen ngợi.
Không gian văn hoá ca trù
NSƯT, Ca nương Bạch Vân tên đầy đủ là Lê Thị Bạch Vân, là một ca nương của thể loại Ca trù, Việt Nam. Bà là người có công lớn trong việc khôi phục nghệ thuật Ca trù, giúp môn nghệ thuật này trở thành một Di sản văn hóa của nhân loại.
NSƯT, Ca nương Bạch Vân cũng là một bệnh nhân thân thiết với Thọ Xuân Đường, nhờ TXĐ mà ca nương Bạch Vân đã khỏi được bệnh đau xương khớp suốt nhiều năm tháng. Do vậy bà đã không ngần ngại nhận lời mời đến biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm.
Không gian văn hóa Trà đạo
Văn hóa thưởng trà như một dòng chảy xuyên suốt từ xưa đến nay và thấm đẫm vào cuộc sống, tâm hồn của những con người Việt. Trà đã được bắt nguồn, gắn liền và có sức sống mãnh liệt như cuộc sống của những con người Việt trong quá trình lâu dài của 4000 năm lịch sử.
Thói quen trong cách pha trà của người Việt thường thấy đó là trước khi pha phải tráng ấm bằng nước sôi, sau đó cho trà vào, đổ nước sôi và đậy kín nắp ấm. Đồng thời, tiếp tục rót nước nóng từ trên xuống phía bên ngoài ấm để giữ hơi và khiến từng cánh trà được ngấm đều. Khi thưởng trà, nhiều người thường có thói quen đưa trà ngang qua mũi để thưởng thức hương thơm của trà. Tiếp đến, nhấp từng ngụm trà một cách chậm rãi để thưởng thức vị ngon của trà.
Trà được xem là nét văn hoá vì nó phổ biến rộng rãi, thể hiện được phong tục và tính cách của người Việt, cũng như tạo nên văn hoá vừa thưởng thức những chén trà ngon, vừa chuyện trò, giãi bày tâm sự. Chính vì lẽ đó, có thể thấy ngày nay trà xuất hiện trong đời sống hằng ngày của mỗi gia đình; khách đến nhà thường được mời trà, đây cũng là cách gia chủ thể hiện sự niềm nở, đón tiếp nồng nhiệt và tình cảm đối với khách. Mời trà còn để thể hiện sự tôn kính đối với bề trên, vậy nên hình ảnh mời trà thường được thấy trong những dịp Lễ - Tết, gia đình sum vầy; hay trong những dịp cưới hỏi, đám giỗ cũng không thể thiếu những chén trà đong đầy ý nghĩa này.
Trò chơi dân gian nặn tò he
Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn tò he “biến” thứ bột nặn vô tri vô giác thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu.
Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bột thành phẩm được nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín.
Qua khâu đoạn này, người nghệ nhân nặn tò he sẽ đem "đấu" màu và nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ nước màu có nguồn gốc thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được.
Được trải nghiệm nặn tò he ngay tại sự kiện nhiều vị đại biểu, khách quý như được trở về tuổi thơ, trở về với tết xưa, để lại cho tâm hồn mỗi con người nhiều hoài niệm.
Trải qua 370 năm giữ gìn và phát triển nghề y, cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, các thế hệ con cháu Họ Phùng Thọ Am đã xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Các giá trị đó đã làm nên cốt cách và bản sắc văn hóa; là nền móng, sức mạnh nội sinh để đưa Thọ Xuân Đường vượt qua chiến tranh, dịch bệnh, khó khăn, thử thách, để có được Thương hiệu Thọ Xuân Đường bay vang, bay xa như ngày hôm nay.