Khát nước sạch giữa lòng thủ đô
Phóng sự 17/09/2020 18:24
Nước đun sôi vẫn không dùng được
Những năm qua, một số huyện phía Nam Hà Nội nước sạch cho sinh hoạt luôn là đề tài nóng. Dù nguồn nước tại các khu vực này đang có dấu hiệu ngày càng ô nhiễm nhưng nước của hệ thống nước máy đô thị vẫn chưa có. Hằng ngày họ vẫn phải sử dụng nước qua trạm bơm của địa phương.
Theo như người dân phản ánh, những trạm cấp nước này mới chỉ dừng lại ở chất lượng cho sinh hoạt chứ chưa đảm bảo cho ăn uống theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Chính vì thế, nước mưa, nước giếng khoan tự khai thác là giải pháp duy nhất của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đang có nguy cơ cạn kiệt.
Dù sử dụng máy lọc nước RO nhưng chỉ 1 thời gian ngắn là các quả lọc bị bám rất nhiều cáu bẩn. |
Chúng tôi đến xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào những ngày nắng nóng. Nước sạch lúc này lại trở thành đề tài được người dân bàn tán xôn xao.
Tại đây, người dân trong xã được cung cấp nước từ trạm bơm của xã. Trạm nằm cạnh UBND xã, cách khu vực dân cư chỉ khoảng 300 mét và được đưa vào hoạt động từ năm 2013 với vốn đầu tư 10.2 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, trạm bơm nước này được xây dựng nhằm mục đích cung cấp nước sạch cho người dân trong xã. Tuy nhiên chính những hộ dân tại đây nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng về chất lượng nước.
Lấy một chậu nước hằng ngày gia đình vẫn dùng để sinh hoạt cho chúng tôi xem, Bà Nguyễn Thị Xinh nói: “Nước ở đây có mùi tanh lắm, cứ như ai đó bỏ cục sắt vào trong chậu ấy.
Nước tại Xuân Dương không chỉ có mùi tanh mà còn vẩn đục. |
Lúc đầu tôi nghĩ chỉ có nhà mình bị nhưng khi đi hỏi hàng xóm thì mới biết hoá ra nước nhà ai cũng thế. Nhiều hôm nước này đun sôi lên mùi vẫn tanh và không thể dùng được”.
Trước tình trạng này, người dân xã Xuân Dương đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền các cấp nhưng đều không nhận được hồi âm.
Để đối phó với tình trạng nước bẩn, bà Xinh và nhiều hộ dân tự bỏ tiền mua máy lọc nước RO với giá khoảng 6 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ với gia đình bà Xinh và đại đa số người dân ở Xuân Dương.
Trước đó, năm 2019, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra mẫu nước sinh hoạt tại đây và kết quả cho thấy nước nhiễm Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.
Làm mọi cách để có nước sinh hoạt
Tình trạng khan hiếm nước trầm trọng không chỉ xảy ra ở xã Xuân Dương (Thanh Oai) mà nó cũng đang xảy ra trên địa bàn xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Tại đây, nhiều người dân đã tếu táo nói vui rằng: “Có khi phải ghi xã Phúc Lâm vào sách Kỷ lục Guiness về số lượng giếng khoan nhiều nhất”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở đây mỗi gia đình trung bình sở hữu từ 2 đến 4 cái giếng khoan trong nhà. Cá biệt có nhà anh Đàm Trọng Song, cư dân xóm 5 của xã có tới 6 chiếc giếng khoan.
Anh Song đưa chúng tôi xem đủ 6 chiếc giếng của mình, rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Đấy, cứ tưởng nhiều giếng là nhiều nước, thực tế chẳng có là bao. Hằng ngày chúng tôi phải bơm nước vào buổi sáng và chiều, mỗi lần máy là mất rất nhiều thời gian để mồi nước.
Giếng khoan được đào ngay mép đường (trước cửa nhà). |
Thế nhưng cũng chẳng được nhiều, có hôm còn không đủ để dùng, nói gì đến việc dự trữ. Tiền điện để hút nước tại giếng hằng tháng của nhà tôi luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Nước sạch luôn là khao khát của người dân chúng tôi. Sống thiếu nước thế này khổ sở lắm rồi”.
Theo như người dân cho biết, tiền khoan giếng là rất tốn kém. Trung bình mỗi mũi khoan ở đây có giá từ 25 đến 30 triệu.
Tuy nhiên, có nhiều hộ gia đình khoan cả chục mũi khoan, tốn cả trăm triệu đồng nhưng cũng không có nước. Hầu hết mỗi gia đình đều sở hữu từ 2 -3 máy bơm, nhà nhiều có tới 4-5 cái. Dù vậy nhưng trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 70% hộ gia đình trong tình trạng thiếu nước.
Có những người quyết không đầu hàng với việc thiếu nước, họ khoan đất nhà mình không được đã nhờ cả đất nhà hàng xóm để khoan.
Anh Đàm Bình kể: “Vì ở quê không có nguồn nước nào khác nên dù khoan cả chục mũi cũng vẫn phải cố. Bản thân nhà tôi cũng đã khoan tới 3 cái giếng, có những mũi khoan sâu đến 70 mét nhưng vẫn không tìm được mạch nước. Nhiều gia đình ở đây rơi vào tình trạng nhà mình đang có nước nhưng khi nhà hàng xóm khoan giếng thì lại mất. Thậm chí hôm nay có ngày mai lại mất là chuyện rất bình thường. Nước ăn thì chủ yếu vẫn dùng bằng nguồn nước mưa. Nhà nào khá hơn thì mua máy lọc nước RO”.
Nhiều gia đình không đủ tiền mua máy lọc nước RO vẫn phải dùng nước trực tiếp từ giếng khoan. |
Dù có tiền nhưng việc khoan giếng để có nước cũng là điều chẳng hề dễ dàng. Như gia đình ông Đặng Văn Hoành đã phải thuê thợ về khoan đúng 1 tháng, khoan nát cả sân nhưng vẫn không có nước.
Không kém phần công phu, gia đình ông Nguyễn Văn Phượng đã bỏ tiền nuôi ăn tốp thợ khoan giếng suốt một thời gian dài.
“Khoan cả chục mũi không được, khoan sang nhà hàng xóm cũng không có nhiều nhà còn khoan cả ra đường đi của thôn. Nói chung, thợ khoan giếng mà về đến quê tôi là yên tâm không bao giờ thất nghiệp. Hiện vẫn đang có một tốp thợ ở Sóc Sơn ăn, ngủ ở đây cả năm để khoan giếng. Hầu như ngày nào ở đây cũng có nhà khoan giếng” – Anh Lưu Văn Thái cho biết.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng, Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, phương án quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên về nội dung thì giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Đặc biệt là bổ sung thêm một số nhà máy nước để đáp ứng nhu cầu cho Hà Nội như nhà máy nước Xuân Mai”.
Có thể thấy, quy hoạch cấp nước mới vẫn chưa được phê duyệt, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người dân phía Nam của Hà Nội vẫn chưa có nước sạch để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống khó khăn, dựa vào thiên nhiên, dựa vào máy lọc nước RO, dựa vào giếng khoan của các gia đình sẽ còn kéo dài.