Khánh thành tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Ánh
Nhịp sống văn hóa 04/12/2020 07:40
Tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Ánh. |
Tượng cao 3 mét (cả tượng và đế), bằng đá khối màu xám, tọa lạc tại sân Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh. Kinh phí xây dựng hơn 140 triệu đồng, do anh chị em cựu giáo chức Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh ủng hộ. Được biết, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Ánh quê xã Hòa Châu, từng đảm đương chức vụ Đội trưởng Đội Biệt động thành Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lập nhiều chiến công vang dội trong sào huyệt quân thù và đã anh dũng hy sinh năm 1970.
Sáng mãi chiến công của người anh hùng
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Hồng Ánh (còn có tên là Nguyễn Nhàn), SN 1951, là con trai duy nhất trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng). Anh sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện tham gia du kích mật hồi mới 16 tuổi. Đến năm 1968, vừa tròn 17 tuổi, anh gia nhập lực lượng biệt động thành Đà Nẵng.
Hồi đó, anh Ánh khôn khéo đóng vai người thợ điện, hoạt động hợp pháp trong TP Đà Nẵng, nhiều trận một mình mưu trí, gan góc tiếp cận tiêu diệt địch. Đầu năm 1969, anh Ánh được phân công làm mũi trưởng, tích cực tổ chức tấn công địch và phát triển lực lượng. Đến tháng 5/1969, anh Ánh được giao làm Đội phó, sau lên Đội trưởng Biệt động thành Đà Nẵng, liên tục tổ chức tấn công tiêu diệt địch.
Chiến công đầu của anh Ánh là trận đánh diệt tên thiếu tá mật vụ khét tiếng ác ôn, gây nhiều tội ác với cách mạng. Trong vai người thợ điện, anh Ánh khéo léo tiếp cận, nắm rõ quy luật đi về của tên mật vụ ác ôn và gan góc gài mìn hẹn giờ vào xe của hắn. Mìn nổ, tên mật vụ gian ác đền tội tại chỗ. Trên cương vị Đội trưởng Biệt động thành Đà Nẵng, anh Ánh đã tổ chức và chỉ huy nhiều trận đánh lẫy lừng, tiêu biểu như trận đánh tại đường Hoàng Diệu, diệt hàng chục tên cướp nước và bọn bù nhìn bán nước. Hay như trận tấn công cơ quan Hội đồng phường Thạch Thang làm kinh hoàng chính quyền tay sai và cả bọn quan thầy Mỹ…
Đặc biệt, trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, anh Ánh tổ chức phối hợp với Đội Biệt động Lê Độ đánh vào Nhà máy đèn Liên Trì và tiếp tục tấn công Trại lính Nguyễn Phi Khanh trên đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm), tiêu diệt 11 tên giặc, thu nhiều vũ khí.
Cuối năm 1969, trong trận đánh Cư xá Đại Hàn (lính Nam Triều Tiên), anh Ánh bị sa vào tay giặc và bị giam ở Ty Gia Long. Tại đây, dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng anh đã giữ vững lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không hề khai báo nửa lời. Sau dó, anh đã vượt ngục trở về đơn vị, tiếp tục chiến đấu trong lực lượng Biệt động thành Đà Nẵng.
Tháng 7/1970, trên đường về dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn Miền, khi đi qua địa phận xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam), anh Ánh đã bị địch phục kích. Người Đội trưởng Biệt động thành Đà Nẵng kiên cường chiến đấu giữa vòng vây địch và anh dũng hy sinh. Năm ấy, anh mới 19 tuổi.
Từ một chiến sĩ trở thành Đội trưởng Đội Biệt động thành Đà Nẵng khi còn rất trẻ, ở cương vị nào anh Ánh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong ba năm 1968-1970, anh Ánh đã tham gia chiến đấu và chỉ huy đánh 27 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, phá hủy nhiều xe quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng và các mục tiêu nguy hại của quân thù, trong đó riêng anh trực tiếp tiêu diệt 55 tên giặc.
Với nhiều chiến công xuất sắc, anh Ánh được bình chọn là Chiến sĩ thi đua Mặt trận 4, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai và nhiều phần thưởng khác. Anh vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi. Ngày 20/12/1994, anh Ánh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.