Israel, Hamas chạy đua giành chiến thắng trước khi đình chiến
Quốc tế 18/05/2021 09:51
Với Israel, chiến thắng có thể đồng nghĩa là ám sát một chỉ huy hàng đầu của Hamas, hoặc phá huỷ đủ số lượng đường hầm, bệ phóng rocket và các cơ sở hạ tầng, để tuyên bố rằng họ đã “cắt sạch cỏ” - cụm từ được người Israel sử dụng rộng rãi để mô tả việc trấn áp tạm thời lực lượng chiến binh Palestine trước cuộc đối đầu tiếp theo.
Còn với Hamas, thắng lợi lớn nhất sẽ là bắt giữ được binh lính Israel để sau đó có thể trao đổi với những người Palestine bị cầm tù. Tiếp đến là phóng thêm được rocket tầm xa vào các thành phố Israel để thể hiện sức mạnh của một tổ chức Palestine khi đối đầu với đối phương mạnh hơn nhiều.
Tất nhiên, việc ám sát một thủ lĩnh Hamas, hay bắt giữ một binh sĩ Israel sẽ gây ra leo thang nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân ở Gaza. Nhưng không bên nào cho rằng họ có thể sử dụng các phương tiện quân sự để bảo đảm những mục tiêu lớn hơn của mình. Cả hai đều mong đợi một giải pháp cuối cùng - một thoả thuận ngừng bắn không chính thức được quốc tế làm trung gian giống như những thoả thuận từng chấm dứt cuộc chiến Hamas - Israel vào các năm 2009, 2012 và 2014.
Cảnh tượng đổ nát tại thành phố Beit Hanoun, phía bắc Dải Gaza, ngày 14/5/2021 |
Tính toán của Hamas
Trong những tính toán chi phối nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, việc phóng hoặc không phóng rocket mang lại cho Hamas đòn bẩy để họ có thể đạt được một số mục tiêu hạn chế. Nhóm vũ trang này những năm gần đây duy trì một thoả thuận ngừng bắn không chính thức mong manh với Israel, cho phép thực hiện những giao dịch kín đáo để vượt qua lệnh phong toả, tiếp nhận hàng trăm triệu USD viện trợ.
Sử dụng tên lửa cũng cho phép Hamas tập hợp sự ủng hộ bằng cách mô tả mình như một phong trào giải phóng đấu tranh cho quyền của người Palestine và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền với Jerusalem, trung tâm của tranh chấp kéo dài nhiều thập kỉ.
Hamas cũng ghi được một chiến thắng lớn trước các đối thủ trong nước khi Chính quyền Palestine ngày càng mất ảnh hưởng, quyền lực chỉ giới hạn ở khuBờ Tây bị chiếm đóng.
Hamas - "địch thủ ưa thích"?
Về phần mình, Israel có được lợi thế nhất định từ việc duy trì hiện trạng ở Gaza trước cuộc giao tranh mới nhất. Tel Aviv thường đổ lỗi thất bại của tiến trình hòa bình cho Hamas, tổ chức bị Israel và các quốc gia phương Tây coi là một nhóm khủng bố.
Phóng viên quân sự lâu năm Harel cho rằng, đối với nhiều người Israel, Hamas là "địch thủưa thích" vì họ từ chối giải pháp hai nhà nước. Điều đó cho phép Israel cô lập Gaza khỏi cuộc xung đột lớn hơn, trong khi củng cố quyền kiểm soát của mình đối với Đông Jerusalem và Bờ Tây bị chiếm đóng - với rất ít sự kháng cự nếu có từ Chính quyền Palestine.
Israel đã chiếm được Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967. Đây là những vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn trở thành nhà nước tương lai của họ. Chính quyền Tel Aviv đã rút binh sĩ và người định cư khỏi Gaza vào năm 2005. Nhưng người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế vẫn coi Gaza là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và nên là một phần của một nhà nước Palestine trong tương lai.
Một giải pháp lớn hơn cho cuộc xung đột dường như vẫn nằm ngoài tầm với. Không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào trong hơn một thập kỉ qua. Dù bằng cách nào, có vẻ như không có sựkết thúc đối với quyền kiểm soát của Hamas ở Gaza cũng như kết thúc lệnh phong tỏa mà Israel nói là cần thiết để kiềm chế tổ chức chiến binh này…