Huyện Quốc Oai, TP Hà Nội: Nhân dân đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội rút sư trụ trì chùa Sùng Đức
Pháp luật - Bạn đọc 11/08/2020 07:52
Chùa cổ…chùa mới nguyên nhân do đâu?
Chùa Sùng Đức cổ thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội có niên đại khoảng 600 năm. Ngôi chùa này được xây dựng trên diện tích khoảng 1.200m2. Theo thông lệ địa phương, Nhân dân thôn Văn Khê tự quản lý và tiến cử người (cụ Thống) trông chùa và tổ chức nghi lễ tôn giáo (Phật giáo) theo tuần tiết. Qua nhiều năm, chùa Sùng Đức cổ được các cụ Thống nối tiếp nhau trông nom quản lý, không có sư.
Đến ngày 25/10/2003, các già vãi chùa Sùng Đức cổ có làm đơn xin đón sư Thích Minh Hiển (trụ trì chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) về trụ trì chùa Sùng Đức cổ để thay cho cụ Thống (già yếu). Trong đơn trên, các già vãi không xin mở rộng đất chùa, không làm chùa mới, giữ nguyên hiện trạng cảnh quan chùa cổ.
Sau khi sư Thích Minh Hiển về trụ trì chùa Sùng Đức từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2004, đã tổ chức cúng Phật và trông coi ngôi chùa cổ. Mọi sinh hoạt tôn giáo được sư Thích Minh Hiển, các già vãi và Nhân dân thực hiện theo quy định.
Thời gian sau, các già vãi và người dân địa phương hết sức bất ngờ, bởi bà Vương Thị Say, trú tại xóm 2 thôn Văn Khê tự ý làm đơn ngày 10/6/2004, kèm theo xác nhận của trưởng thôn để mời sư Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương Tích, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) về trụ trì chùa Sùng Đức. Trong đơn cho rằng, sư Thích Minh Hiển đau ốm nên mời sư Thích Minh Hiền thay thế, nhưng thực tế sư Hiền vẫn khỏe mạnh, vẫn về chùa Sùng Đức tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
Chùa Sùng Đức cổ |
Các già vãi và Nhân dân cho rằng, họ không được họp, không ủy quyền cho bà Vương Thị Say làm đơn đón sư Thích Minh Hiền. Do vậy, bà Say không thể đại diện, thay mặt cho già vãi và Nhân dân để làm đơn xin sư Hiền trụ trì. Việc ông Nguyễn Trọng Nhiên, trưởng thôn ký đơn của bà Say là vi phạm quy chế dân chủ tại cơ sở.
Ngày 3/9/2005, sư Thích Minh Hiền nhận đất, mà UBND xã giao đất trái thẩm quyền 14.720m2 đất và trụ trì chùa Sùng Đức cổ. Trong khi đó, sư Hiền không có quyết định của Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tây thời điểm đó giao. Biên bản bàn giao trên, cũng không có chữ ký của sư Thích Minh Hiển, người được các già vãi và Nhân dân mời. Từ khi về đến nay, sư Thích Minh Hiền cũng không tổ chức các nghi lễ Phật giáo tại chùa Sùng Đức cổ.
Sau khi UBND xã Nghĩa Hương giao đất và chùa của Nhân dân cho sư Thích Minh Hiền, thì sư Thích Minh Hiền đã cho đệ tử là ông Thích Đạo Tú về tiến hành xây dựng chùa Súng Đức mới từ năm 2006. Việc xây dựng trên là trái quy định của pháp luật, bởi diện tích đất là đất trồng cây lâu năm, UBND xã Nghĩa Hương giao trái thẩm quyền. Nhưng chính quyền xã Nghĩa Hương hay huyện Quốc Oai không tiến hành lập hồ sơ ngăn chặn, dẫn đến việc thi công xây dựng hoàn thành. Chưa dừng lại ở đó, ngày 27/1/2011, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Đăng Thiều lại cấp Giấy phép xây dựng số 02/GPXD cho Ban tôn tạo sửa chùa Sùng Đức, người đại diện là ông Thích Đạo Tú được phép xây dựng nhà Trai đường và Nhà bếp thuộc chùa Sùng Đức; vị trí xây dựng thửa 577, diện tích 14.582m2, trong đó nhà trai đường 326,7m2; diện tích nhà bếp 177,8m2; nhà cầu 27,7m2…
Chùa Súng Đức cổ xuống cấp nghiêm trọng, Nhân dân thôn Văn Khê đứng ra tổ chức hội nghị gồm 45 đại biểu họp ngày 14/11/2011, để quyết định giữ lại ngôi chùa cổ có niên đại hơn 600 năm. Đồng thời, hội nghị yêu cầu sư Thích Minh Hiền và Thích Đạo Tú giữ nguyên hiện trạng để tu sửa, nếu tự ý phá dỡ chùa cổ thì phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân thôn Văn Khê và pháp luật. Tuy nhiên, không hiểu sư Hiền có chỉ đạo đệ tử không, từ ngày 12/3/2012, ông Thích Đạo Tú tiến hành phá chùa Sùng Đức cổ, tháo dỡ hết cánh cửa chùa và hoành phi câu đối mang đi nơi khác.
Các già vãi và Nhân dân thôn Văn Khê báo cáo UBND xã Nghĩa Hương. Đến ngày 6/4/2012, UBND xã Nghĩa Hương cử cán bộ xuống lập biên bản và yêu cầu ông Thích Đạo Tú đến ngày 12/4/2012, phải lắp trả lại toàn bộ cửa chùa và bức hoành phi câu đối. Nghiêm cấm không được xâm phạm, phá hoại cảnh quan của chùa Sùng Đức.
Tuy nhiên, ông Thích Đạo Tú không chấp hành, vẫn tổ chức phá chùa mở rộng hơn. Cụ thể, đào sâu sân chùa sát móng như ao, hào; chặt phá cây cổ thụ xung quanh chùa từ ngày 12/3 – 23/4/2012, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và Điều 30 Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004. Không dừng lại ở đó, ông Tú tiếp tục phá hoa màu xung quanh chùa, Nhân dân tiến hành đổ bê tông đường vào chùa Sùng Đức cổ, ông Tú cho phật tử chùa mới ra ngăn trở. Thậm chí, còn viết Thư mời gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch TP Hà Nội có nội dung: “…Đích thân kẻ hèn này sẽ phá những công trình mà ông Vương Trường Tăng xây dựng bấy lâu nay…”. Sau đó, tháng 12/2017, ông Tú phá, cắt đường điện vào chùa Sùng Đức cổ, cản trở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của các già vãi và Nhân dân thôn Văn Khê. Ngày 8/5/2018, tổ công tác huyện Quốc Oai chỉ đạo HTX mắc điện cho chùa Sùng Đức cổ. Nhưng đến ngày 9/5/2018, đường dây điện lại bị cắt thành nhiều đoạn. Đến ngày 10/8/2018, đường dây diện được HTX khắc phục và đóng điện trở lại. Nhưng sau đó, ngày 11/5/2018, ông Tú đã trực tiếp cùng một số vãi, đệ tử, ra phá hai cây cột điện và cắt dây điện vào chùa Sùng Đức cổ. Chiều 12/9/2019, các già vãi chùa Sùng Đức cổ chuyển ngói vào chùa cho nhân dân công đức. Đệ tử của ông Tú là Vương Văn Diễn trú xóm 2, thôn Văn Khê đánh bà Kiều Thị Nở gãy một răng khi đang vận chuyển ngói vào chùa.
Ngày 4/7/2012, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2997/QĐ-UBND chùa Sùng Đức tiếp tục sử dụng 16.411,3m2 đất tại thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương.
Trong khi đó, làm việc với PV, Phó Chánh thư kí Thích Chiếu Tuệ, GHPGVN TP Hà Nội cho biết: “Từ trước đến nay UBND TP, Ban tôn giáo TP hay UBND huyện Quốc Oai chưa hề mời GHPGVN TP Hà Nội làm việc liên quan đến bàn giao đất trên cho chùa Sùng Đức…”.
Công an xã Nghĩa Hương đến kiểm tra và lập biên bản |
Tiếp đó, các già vãi và nhân dân thôn Văn Khê đứng ra tổ chúc tu sửa chùa Sùng Đức cổ. Nhân dân đứng ra khánh thành, họp cử ra Ban quản lý chùa Sùng Đức cổ ngày 28/7/2012. Nhưng từ đó đến nay, ngôi chùa cổ Sùng Đức liên tục bị người cho khóa cổng chùa, đóng đinh vào ổ khóa, phá nhà bếp; bát đĩa, xoong chậu, bếp ga…đều bị lấy cắp hết. Các sự việc xảy ra tại chùa Sùng Đức cổ đều được già vãi và nhân dân mời Công an xã Nghĩa Hương đến kiểm tra và lập biên bản.
Kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội rút sư Thích Minh Hiền
Ngày 19/11/2015, Phòng Nội vụ huyện Quốc Oai có Văn bản số 43/BC-NV cho rằng: “Hiện tại không có văn bản nào quy định chính thức chùa Sùng Đức thuộc ban Trị sự Phật giáo thuộc thành hội quản lý”.
Ngày 26/7/2020, bà Nguyễn Thị Lịch thay mặt Ban quản lý chùa Sùng Đức cổ thôn Văn Khê kèm theo hơn 200 chữ kí gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội làm rõ chùa Sùng Đức cổ có thuộc “Thành hội phật giáo”. Cùng với đó là việc Ban quản lý chùa được thành lập từ năm 2012, không cho sư Thích Minh Hiền và Thích Đạo Tú tổ chức phá dỡ chùa cổ.
Theo sư Thích Đạo Phong, Chánh thư kí Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội: “Vì dân có đơn và được xác nhận bởi trưởng thôn, nên Giáo hội mới cử nhà sư về… Còn chùa là của Nhân dân, không phải chùa của sư. Nếu việc trên, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến địa phương, thì nhân dân họp và có đơn gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội để Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội xem xét giải quyết việc rút sư về... Chứ từ trước đến giờ, chúng tôi chỉ nghe phong thanh, chứ chưa hề có đơn chính thức từ Nhân dân gửi lên…”.
Ngày 2/1/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu có Văn bản số 44/UBND-NC chỉ đạo UBND huyện Quốc Oai rà soát lại quy trình bổ nhiệm sư trụ trì chùa Sùng Đức để đảm bảo các nội dung liên quan đến việc bổ nhiệm Thượng tọa Thích Minh Hiền trụ trì chùa Sùng Đức đúng quy định của pháp luật và nội quy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, phóng viên Tạp chí Ngày mới online, Tạp chí Người cao tuổi đã liên hệ làm việc với UBND huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin, nhưng đã 3 tháng trôi qua, UBND huyện Quốc Oai vẫn chưa phản hồi thông tin cho Tạp chí Người cao tuổi
Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Quốc Oai giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Đồng kính đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội xem xét sự việc trên, nếu sư không đảm bảo, gây mất đoàn kết thì nên rút sư về. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các già vãi và nhân dân, qua đó tránh phát sinh thành “điểm nóng” trên địa bàn xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai.