Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre: Cần chấm dứt ngay thói sách nhiễu, hành dân (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 13/05/2021 08:39
Thấy hoàn cảnh ông Bạch Vĩnh Cường quá khó khăn, cha bị bệnh hiểm nghèo nhập viện dài hạn, mẹ và vợ không có việc làm, các con còn nhỏ, chỉ mình ông đi làm công nhân nuôi cả gia đình. Diện tích đất ông mua có nguồn gốc của một người cậu Việt kiều ở Mỹ mua trước đó, đã đặt cọc sau đó cho lại ông Cường số tiền đặt cọc, ông Cường tiếp tục làm thủ tục mua bán và phải thanh toán hết số tiền còn lại. Ông Cường cũng không thể hình dung hết nỗi đau từ mọi rắc rối đến với ông như vậy. Biết được hoàn cảnh của ông, một Văn phòng Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh kí văn bản thực hiện công việc uỷ quyền cho ông. Khi Văn phòng này cử luật sư đến huyện Ba Tri liên hệ các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện các thủ tục thi hành Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre đã có hiệu lực thi hành. Khi đến liên hệ công việc thì vị luật sư này mới “tả hoả lân tinh” với kiểu cách làm việc bất chấp các quy định pháp luật của nhiều cán bộ thực thi pháp luật ở các cơ quan công quyền nơi đây.
Khi vị luật sư mang đầy đủ hồ sơ và đơn yêu cầu thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số: 258/2020/DS-PT ngày 4/9/2020 của TAND tỉnh Bến Tre đến nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Ba Tri. Người tiếp nhận hồ sơ là bà Hoắc Huỳnh Như, thẩm tra viên, Chi cục THADS huyện Ba Tri. Điều 33 Luật THADS quy định: “Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhân cho người nộp đơn”. Luật quy định là vậy, nhưng khi người nộp đơn đề nghị và xin biên nhận, bà Như nói: “Ở đâu chứ ở đây không có chuyện đó. Đơn nộp vào đây là không mất đâu cứ về đi rồi chờ trả lời”. Vị luật sư đành trở về TP Hồ Chí Minh chờ đợi hơn hai tuần sau, thì nghe tin người bạn là Luật sư Thái Kim Sơn ở huyện Ba Tri thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre gọi điện thông báo phải xuống Chi cục THADS huyện Ba Tri để nhận lại hồ sơ bị từ chối(!?). Mặc dù người nhận hồ sơ có địa chỉ văn phòng luật sư và số điện thoại, nhưng bà Như vẫn vô cảm, phớt lờ, không có bất kì thông báo hay một cuộc gọi nào cho người nộp hồ sơ bị từ chối. Theo Khoản 5, Điều 31 Luật THADS sửa đổi quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu thi hành án...”. Luật quy định “một đường”, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Nô “soi một nẻo”. Ông Nô đã “ngâm” hồ sơ, tới ngày 23/11/2020 mới kí Thông báo số 1184/TB-CCTHADS về việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.
Ngày 27/4/2021, vị luật sư thực hiện công việc uỷ quyền cho ông Cường đến đăng kí xin gặp ông Nguyễn Văn Nô, thì cán bộ văn phòng trả lời: “Nô - vắng”. Ngày 28/4/2021, vị luật sư này kiên trì đến xin gặp ông Nô lần thứ hai để hỏi xem nội dung Thông báo từ chối nhận đơn, ông Nô đứng ở bàn trà đặt tại khu vực sân giữa hỏi: “Ông là ai, gặp tui có chuyện gì?”. Khi vị luật sư đang trình bày thì ông Nô quắc mắt, khoát tay chỉ khách vào phòng kế bên gặp bà Hoắc Huỳnh Như, Thẩm tra viên giải thích dùm, chứ ông không tiếp nhận thu nạp ý kiến phản hồi thắc mắc của người dân.
Vào phòng bà Như, vị luật sư trình bày: Theo quy định của pháp luật và bản chất của việc thi hành án là đối với tất cả các bản án dân sự sơ, phúc thẩm tuyên đã có hiệu lực pháp luật buộc phía người bán đất là ông Võ Văn Trí phải tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng để làm sổ đỏ cho phía ông Cường. Tuy Chi cục THADS huyện không có chức năng thực hiện các thủ tục này và cũng không có thẩm quyền cấp sổ đỏ. Nhưng cơ quan THADS cũng phải có trách nhiệm buộc ông Trí phải thực hiện “các thủ tục bắt buộc” làm sổ đỏ qua hệ thống Văn phòng Đăng kí đất đai hoặc Phòng TN&MT. Đồng thời, buộc phía ông Cường phải nộp đủ số tiền 300 triệu vào tài khoản của Cơ quan thi hành án và ra thông báo cho bên yêu cầu thi hành án biết, họ phải liên hệ tổ chức, cá nhân nào để được thi hành quyết định của bản án. Trong trường hợp phía bà Tám, ông Trí (bên bán) cố tình không thi hành thì cơ quan thi hành án lập biên bản chuyển hồ sơ đến cơ quan công an xử lí về “Tội không chấp hành bản án” được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tại sao cơ quan thi hành án lại cố tình “làm ngơ”, vô cảm, chối bỏ trách nhiệm thực thi pháp luật và hỗ trợ pháp luật của chính mình? Khi vị luật sư vừa trình bày tới đây thì thẩm tra viên Hoắc Huỳnh Như cắt ngang: “Chú nói như vậy là đối với án hình sự còn án dân sự thì không có chuyện đó”. Câu giải thích này thì ắt hẳn bạn đọc và các nhà làm luật cũng bó tay. Cũng từ đây mới rõ ý thức, lề lối làm việc và nhận thức về kiến thức pháp luật của những cán bộ đã và đang tại nhiệm trong các cơ quan công quyền nơi vùng sâu, vùng xa này? Làm gì có chuyện án hình sự mà nhờ cơ quan THADS can thiệp bằng lời nói hoặc bằng văn bản thông thường để được thi hành án!?
Luật sư thực hiện công việc uỷ quyền của ông Cường lắc đầu ngao ngán: Lần đầu tiên tôi tiếp xúc một “Chi cục” như thế này và gặp biết bao nỗi khổ của cung cách làm việc, giao tiếp, giải thích kiểu “gà què ăn quẩn cối xay”. Cũng là lần đâu tiên tôi đến đây nộp một lá đơn, mà cả Thủ trưởng lẫn nhân viên trong một cơ quan thực thi pháp luật đã vi phạm tới 2 điều luật. Thử hỏi những người nông dân chân đất đến đây thì họ đưa “luật riêng” ra giải thích và họ cũng giao tiếp, thu nhận phản ảnh của người dân theo kiểu “chỉ tay” như ông Nô chăng? (Còn nữa)