Hơn 100 bác sĩ nhận chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ
Y tế 27/11/2020 07:40
Theo đó, khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thứ 54 được tổ chức từ ngày 23/11 đến 26/11, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo (Chương trình AVANT- Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ) đã được Bộ Y tế phê duyệt. Với mong muốn chung tay cùng ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột quỵ não trở về cuộc sống bình thường. Bệnh viện Bad Pirawarth, Bệnh viện Christian Doppler và Ever Pharma Austria đại diện cho nước Áo, phía Việt Nam có Tổng hội Y học Việt Nam, Hội phục hồi chức năng Việt Nam và Ever Pharma Vietnam.
Ths BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh trao chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục tại khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ |
Tử vong do đột quỵ não đứng hàng thứ 3
Theo thống kê của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, trong từng chu kỳ 3-5 năm, số lượng bệnh nhân đột quỵ phải điều trị nội trú cuối chu kỳ tăng từ 1,7-2,5 lần so với năm đầu chu kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh ung thư và tim mạch, đứng hàng đầu về tàn tật.
Mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước đây nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm.
Hậu quả là bệnh nhân trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Mục tiêu 5 năm chương trình AVANT
DS Lâm Thanh Hải, đại diện Ever Pharma Việt Nam cho biết: Các bác sĩ, kỹ thuật viên sau khi hoàn thành khoá học sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục, tương đương 48 giờ học quy đổi của Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam. “Mục tiêu của chương trình sau 5 năm sẽ tổ chức 100 lớp tập huấn cho 6.000 cán bộ y tế và 150 lớp tập huấn dành cho người nhà bệnh nhân được đào tạo kỹ năng phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ”.
Cho đến nay, sau 3 năm thực hiện chương trình (2017-2020), đã tổ chức 6 lớp tập huấn tại Cộng hoà Áo với 38 giáo sư, bác sĩ và kỹ thuật viên ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Trên 60 lớp với hơn 4.000 bác sĩ và kỹ thuật viên trong nước; Trên 120 lớp với hơn 3.000 người nhà bệnh nhân được đào tạo kỹ năng phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ. DS Lâm Thanh Hải, đại diện Ever Pharma Việt Nam cho biết thêm.
TS BS Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Ths BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trao giải cho học viên xuất sắc |
TS BS Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn Nội Thần kinh Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Chương trình đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành, gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các Trung tâm đột quỵ và khoa phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện. Đây là cánh cửa cho các bác sĩ, kỹ thuật viên đến tuyến cơ sở và người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân có nhu cầu được học các kiến thức về phục hồi chức năng sau đột quỵ đều có thể đăng ký học”.
Thông qua các khoá tập huấn, truyền tải kiến thức chung về đột quỵ gồm; cách nhận biết, điều trị, phòng ngừa tái phát và các bài tập phục hồi chức năng như: Cách di chuyển bệnh nhân trên giường, cầm nắm, vận động các chi để cải thiện và điều hoà trương lực cơ; các bài tập vận động xương khớp vai, các bài tập giúp người bệnh hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: mặc áo, đánh răng; các bài tập kỹ năng vận động trong tư thế ngồi, giậm chân và chuyển trọng tâm, tư thế đứng tập chân trụ, tập đi, tập leo cầu thang,… được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi các nhà thần kinh học cùng các chuyên gia phục hồi chức năng thần kinh hàng đầu từ Cộng hoà Áo.
Sau khi kết thúc các khoá tập huấn bài bản, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ trở thành những chuyên gia, giảng viên để tiếp tục phổ biến các kiến thức phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ mới tại bệnh viện, chia sẻ với các bệnh viện trong khu vực và người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Một vấn đề thiết yếu trong chăm sóc bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu tại các cơ sở điều trị cấp tính là phục hồi chức năng. Đối với những bệnh nhân bị di chứng đột quỵ não sau khi xuất viện, họ vẫn cần được tiếp tục chữa trị để phục hồi chức năng thần kinh tại nhà hoặc các trung tâm phục hồi chức năng địa phương.
Các giảng viên và nhân viên Ever Pharma Vietnam chụp hình lưu niệm |
Ths Lê Thị Hạ Quyên, Phó khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Phục hồi Chức Năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ không phải bao giờ cũng có thể đạt kết quả tối ưu. Để phục hồi chức năng vận động và nhận thức, bệnh nhân cần kiên trì tập luyện, phải kết hợp hai phương pháp, vừa dùng các thuốc dinh dưỡng thần kinh giúp đẩy mạnh tái cấu trúc não, kích thích tính mềm dẻo của thần kinh vừa sử dụng phương pháp phục hồi chức năng (Vật lý trị liệu, liệu pháp phục hồi, vận động trị liệu,...) một cách hợp lý, cụ thể cho từng bệnh nhân. Nếu làm tốt, sẽ góp phần giảm thiếu các khiếm khuyết, biến chứng tái phát để người bệnh nâng cao khả năng sống độc lập, nâng cao chất lượng sống và sớm trở lại cuộc sống thường ngày.