Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch
Du lịch 11/03/2022 13:34
Hướng dẫn viên giới thiệu điểm du lịch Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN. |
Chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động, phần lớn lao động ngành du lịch, đặc biệt tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển đã tạm thời nghỉ và chuyển đổi công việc khác. Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, có đến trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Cùng với đó, số lao động bị sụt giảm mạnh.
Đối với cơ sở lưu trú, khoảng 1.550 cơ sở tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề, gần 21.500 lao động tạm thời không có việc làm, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối này. Số lao động làm việc cầm chừng, bán thời gian ước khoảng 13.400 người, chiếm 21,2%; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 người, chiếm 18,3%. Chỉ có gần 16.800 lao động làm việc đủ thời gian, chiếm 26,7% tổng số lao động trong khối lưu trú.
Khi ngành Du lịch mở lại các hoạt động, nhân lực là một yêu cầu lớn đặt ra. Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất, Sở Du lịch Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, vì đến nay các doanh nghiệp cơ bản đã giải thể hết nhân sự. Công tác đào tạo cần bài bản và nhận được sự hỗ trợ của thành phố để Hà Nội có nguồn nhân lực tốt. Điều ông Trương Quốc Hùng cũng như nhiều người ái ngại là khi mở trở lại du lịch thì dịch vụ chưa được đồng đều, trong đó yếu tố tác động lớn đến từ nguồn nhân lực. Bởi vậy, nghiệp vụ ngành du lịch cần được đào tạo, cập nhật thường xuyên và cũng cần tính đến việc lực lượng cũ đã chuyển sang ngành nghề khác khó quay trở lại.
Xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch Thủ đô trong quá trình phục hồi du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, Sở sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Trước mắt, Sở Du lịch tổ chức rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch bị biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động, chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động đón du khách. Cơ quan này cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách trên địa bàn thành phố. Trong đó, các lớp tập huấn du lịch cộng đồng sẽ đẩy mạnh triển khai nhằm nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ du khách của đối tượng là người địa phương làm dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch, tham quan, các làng nghề, phố nghề. Sở cũng thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Sở chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ sở đào tạo như Viện Đại học Mở, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Kinh tế quốc dân, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức 3 lớp bồi dưỡng với tổng số 369 học viên là nhân lực trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về du lịch các cấp, nhân lực du lịch trên địa bàn thành phố. Trong đó có 1 lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho 89 hướng dẫn viên du lịch; 1 hội nghị tập huấn, triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho 200 người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ, thành viên các tổ chức đoàn thể tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức về du lịch, về lợi ích du lịch đem lại và các kỹ năng phục vụ, giao tiếp với du khách.
Bên cạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các chính sách hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp du lịch liên quan đến việc giảm tiền thuế, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội… Sở hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch, tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua các sự kiện, lễ hội do thành phố tổ chức, các kênh truyền thông, hệ thống website, fanpage của thành phố. Mặt khác, Sở tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, an toàn.
Vì sao cáp treo núi Cấm lơ lửng trên không? Vào chiều 6/3, tuyến cáp treo núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang bất ngờ xảy ra sự cố, một ... |
Hoa ban Tây Bắc khoe sắc giữa lòng Hà Nội Vào mỗi độ cuối tháng 2, đầu tháng 3, dọc các con phố nổi tiếng ở Hà Nội như Bắc Sơn, Hoàng Diệu,....lại như được ... |