Du lịch xanh
Du lịch 31/12/2024 09:17
Thời gian qua, một số tỉnh ở ĐBSCL đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc phát triển du lịch xanh. Hướng đi mới đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp không khói của ĐBSCL.
Một trong những đơn vị có sáng kiến trong việc khai thác du lịch xanh và bền vững tại tỉnh Bến Tre với mô hình giảm phát thải trong du lịch, Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T (tỉnh Bến Tre) đã mang đến “làn gió mới” cho du lịch xứ dừa. Mô hình du lịch “Net Zero” - một hành trình khám phá Bến Tre xanh và bền vững. Qua các tour du lịch này, du khách không chỉ được đắm mình trong văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực địa phương mà còn trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường.
Khách du lịch tham quan trải nghiệm hái nho tại Điểm du lịch Như Ba Farmstay. |
Từ việc di chuyển bằng xe đạp, thuyền đến việc dùng bữa với các món ăn hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, mỗi hoạt động trong tour đều hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhờ những nỗ lực không ngừng, mô hình du lịch này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình từ du khách, bước đầu mang đến nhiều thay đổi tích cực trong tư duy làm du lịch bền vững của người dân địa phương cũng như sự thay đổi nhận thức về du lịch trách nhiệm đối với du khách.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều khu, điểm du lịch cũng đang hướng đến xây dựng mô hình du lịch xanh, bền vững. Các đơn vị đã chủ động áp dụng các giải pháp, như: Sử dụng năng lượng tái tạo, nói không với rác thải nhựa, sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tài nguyên bản địa để phục vụ du lịch...
Điểm du lịch Như Ba Farmstay ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thân thiện với môi trường như: Tận dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động dịch vụ và tưới tiêu cho vườn cây ăn trái tại Farm. Để bảo vệ đất và nguồn nước, Farm hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, đã xây dựng hệ thống ủ phân hữu cơ từ rác thải thực vật để cung cấp nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Bên cạnh đó, Farm ưu tiên sử dụng các nguyên liệu địa phương trong quá trình phục vụ khách hàng, góp phần bảo tồn văn hóa và kinh tế địa phương....
Có thể thấy du lịch xanh không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bức thiết. Ngày càng nhiều du khách sẵn sàng chi trả cao hơn để trải nghiệm những dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường và cộng đồng. Điều này cho thấy, du lịch xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng. ĐBSCL với tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa đặc sắc, có thể tận dụng xu hướng du lịch xanh để phát triển bền vững.
Du lịch xanh là tiềm năng, lợi thế của Đồng Tháp. Để phát huy hiệu quả, tạo đột phá cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường là những yếu tố quyết định thành công.
Tuy nhiên, để thành công, các địa phương ở khu vực này cần tập trung vào một số giải pháp, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch xanh, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững, xây dựng các mô hình hợp tác công - tư để thu hút đầu tư.