Dự án Khu biệt thự rừng sinh thái ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Cần xem lại việc hỗ trợ, bồi thường đất cho dân
Pháp luật - Bạn đọc 05/09/2018 10:22
Bài 1: Nguồn gốc đất và bản chất của Dự án Quốc Anh
Ông Cao Huy Chung cho biết: Năm 1989, gia đình ông từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa lập nghiệp, khai hoang được 2ha, làm nhà tạm để ở và sản xuất. Năm 1993, Nhà nước có chủ trương cho trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đã hợp thức hóa cho gia đình ông diện tích đất này. Ông Trần Văn Minh cũng về đây khai hoang được hơn 10.000 m2 từ năm 1993. Đất của ông Minh nằm sát biển, nên ông xây trại nuôi tôm và ốc hương. Nhiều người dân khác, người đến trước, người đến sau, nhưng đều có chung hoàn cảnh về đây khai hoang, lập nghiệp. Những năm đó, từ cuối năm 1980 đến khoảng năm 1995, vùng này đang là đất trống, đồi núi trọc. Đường sá đi lại gập ghềnh, khó khăn bởi sỏi đá và cây dại đầy gai góc. Lúc đó, nếu ai nói đến điện, đường, trường, trạm ở khu vực này thì quả là câu chuyện hoang đường.
Năm 1998, tỉnh Khánh Hòa thu hồi gần 250ha đất khu vực Sông Lô giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu của bà Trần Thị Hường (còn gọi là Tư Hường) để xây dựng Khu du lịch giải trí, trong khi quyết định của Chính phủ chỉ giao cho bà 197ha, đã tạo nên một giai đoạn sóng gió cho dân nghèo. Đã có không ít người mất nguồn sống, có người phải đi tù vì đấu tranh thái quá. Đặc biệt, sau năm 2005, khi đại lộ Nguyễn Tất Thành được mở, đi qua Khu du lịch giải trí Sông Lô, vượt đèo Cù Hin vào Khu du lịch Bãi Dài… thì cánh rừng sản xuất của các hộ dân thôn Phước Hạ như “nàng công chúa thức tỉnh sau giấc ngủ dài”, bắt đầu thu hút nhiều doanh nhân nhòm ngó. Hồi đó, bà Tư Hường đã thâu tóm bằng một dự án có tên: “Khu biệt thự sinh thái rừng và công viên kết hợp du lịch – dịch vụ”. Chính vì thế, những người dân ở đây gặp ngay cảnh "sóng gió". Nhà cửa tạm bợ, bị mưa bão hằng năm đập cho tả tơi, hư hỏng; xin làm mới, thậm chí chỉ sữa chữa thôi cũng bị chính quyền địa phương từ chối: “Đất rừng, làm sao xây nhà ở được”. Đứng trước tình cảnh đó, nhiều người dân, trong đó có ông Chung, ông Minh… bất đắc dĩ phải chuyển nhượng bớt rừng, lui về khu vực thôn Phước Lợi, Phước Lộc, Phước Tân mua đất, cất nhà ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Đình Hải, Thôn trưởng, đồng thời là đại diện của dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho biết: “Hồi đó do Hoàn Cầu (bà) quá tai tiếng, có nhiều dự án, nên không đủ năng lực tài chính, phải nhả ra cho Hoàn Cầu (cháu). Chủ doanh nghiệp Quốc Anh là cháu nội của bà Tư Hường, Công ty Quốc Anh là thành viên của Công ty Hoàn Cầu”.
Ngày 28/11/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu biệt thự sinh thái rừng (gọi tắt là dự án Quốc Anh) với diện tích 67,72ha; trong đó có 52,32ha đất đồi núi và 15,40ha mặt nước cho Công ty Quốc Anh. Ngày 3/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1413/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, xác định mục tiêu, tính chất của dự án: “Xây biệt thự sinh thái rừng để bán và căn hộ du lịch cho thuê”. Dự án được cho là chuyển tiếp của Dự án “Khu biệt thự sinh thái rừng và công viên kết hợp du lịch - dịch vụ” của Công ty Hoàn Cầu, được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 2982/UBND-XDNĐ ngày 22/5/2014; được HĐND tỉnh Khánh Hòa liệt kê trong nhóm dự án thu hồi đất chuyển tiếp, theo Điều 99, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tỉnh Khánh Hòa được thu hồi đất của dân bằng giá do Nhà nước đưa ra, vì Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước định giá đất sát với giá thị trường”.
Mục tiêu và tính chất của dự án Quốc Anh thuộc nhóm dự án kinh doanh thương mại, buộc nhà đầu tư phải thỏa thuận giá đất với người dân, thuê đất của dân, hoặc để dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 40; Khoản 3, Điều 93, Luật Đất đai năm 2003, hoặc Điều 73, Luật Đất đai năm 2013. Ngay tại Điều 99 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, về “Xử lí các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất trước ngày 1/7/2014”, tại điểm a, Khoản 1 quy định: “Cho phép tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất hoặc chủ đầu tư nhận chuyền nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Điểm c, Khoản 1, Điều 99 nói rõ thêm: Trường hợp không thỏa thuận được, thì UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất phần không thỏa thuận được.
Như vậy, trường hợp đối với dự án Quốc Anh, việc áp dụng Khoản 2, Điều 40; Khoản 3, Điều 93 Luật Đất đai năm 2003, hoặc Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 là hoàn toàn chính xác. Phải để cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân. Khi không thỏa thuận được, thì Nhà nước mới đứng ra điều hành, theo giá hợp lí, sát thị trường, chứ không thể lấy giá rẻ mạt do Nhà nước quy định mà áp đặt cho dân. Ở đây, khi triển khai thực hiện dự án, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ (HĐBTHT) và cấp đất tái định cư (CĐTĐC) TP Nha Trang, do ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng, lại triển khai các thủ tục thu hồi đất của dân cho Công ty Quốc Anh, theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, thuộc loại dự án phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời làm Tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt giá đất để bồi thường cho loại đất rừng sản xuất, chỉ 20.475 đồng/m2, là trái với quy định của pháp luật.
Khu vực dự án Bến đò du lịch của Tập đoàn Trần Viễn Đông
Lại có trường hợp, một thửa đất được chủ đất chia ra nhiều lô, làm nhiều lán trại đứng tên nhiều người để được bồi thường đất ở và cấp đất tái định cư, nhưng vẫn được HĐBTHT&CĐTĐC TP Nha Trang chấp nhận. Hội đồng này còn thiếu rõ ràng, nhất quán trong việc xác định giá đất. Khi thì bảo khu vực này chưa có giá đất, khi lại thông báo giá đất là 20.475 đồng/m2 (đất rừng). Nhân dân thôn Phước Hạ còn đặt câu hỏi: “Đây là dự án biệt thự sinh thái rừng, vậy tại sao ông Lê Đức Vinh lại cấp cho Công ty Quốc Anh đến 15,4ha mặt nước, để họ chiếm toàn bộ bến đậu ghe thuyền đánh cá của dân thuộc nhiều thôn ở xã Phước Đồng? Bà con so sánh: Dự án Bến đò du lịch của tập đoàn Trần Viễn Đông, lấy đất của dân ở một vị trí “đất cằn sỏi đá”, tuyến 2, tuyến 3 nhưng chủ đầu tư vẫn thỏa thuận bồi thường cho dân 1.500.000 đồng/m2; vậy mà Dự án Quốc Anh ngoài việc chỉ phải bồi thường cho dân 24.475 đồng/m2, còn được ưu ái giao 15,4 ha mặt nước để “xây biệt thự”, làm cho dân không có chỗ đậu ghe, triệt thoái hoàn toàn con đường làm ăn của họ. Khi dân thắc mắc, ông Nguyễn Anh Tuấn hứa sẽ can thiệp với Tập đoàn Trần Viễn Đông cho đậu nhờ Bến đò du lịch (!?).
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân