Đồng nát lúc nửa đêm
Đời sống 14/02/2023 15:31
Neo mình lúc nửa khuya
Nhặt nhạnh những giá trị nhỏ bé còn sót lại trong đống rác thải hỗn độn, gắn mình với những thứ bỏ đi của người khác chính là cách mưu sinh của không ít người phụ nữ lớn tuổi tại TP Đà Nẵng. Cuộc sống với gánh nặng mưu sinh vốn là vậy, mặc cho đôi chân có mệt mỏi họ vẫn cần mẫn làm việc. Trên khắp các nẻo đường, trong những ngõ kiệt của thành phố đang phát triển này, vẫn có những người phụ nữ hằng đêm mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm chiếc áo bạc phếch vì sương gió mưu sinh bằng nghề đồng nát lúc nửa đêm như thế này.
Khi ánh nắng chiều vừa tắt cũng là lúc bà Phan Thị Ni (55 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu một ngày mưu sinh tại Đà Nẵng. Bà lang thang khắp công viên Biển Đông, công viên Cá Voi (Đà Nẵng) để lượm lặt những chai lọ, thùng giấy, hộp nhựa người ta bỏ đi về bán. Bà Ni tâm sự, vì sức khỏe yếu nên không ai thuê. Chỉ biết nương nhờ vào cái nghề nhặt ve chai này mà sống qua ngày. Chân bị khớp đau nhức thường xuyên nên bà chẳng đi đâu xa, quanh quẩn ở công viên này gom góp 2 đến 3 đêm rồi bán cũng được trăm ngàn, ăn uống tằn tiện để cuối tháng còn đủ trả tiền trọ cho người ta.
Ở cái tuổi ngoài 50 nhưng lưng bà đã hơi còng xuống, chân lại đau nên có lẽ đây là cái nghề duy nhất bà đủ sức làm. Nhìn bà nhỏ bé gầy guộc, đôi bàn tay nhem nhuốc, đôi bàn chân lấm lem đất cát không khỏi khiến người ta ngậm ngùi. Anh Trần Hữu Tại, bảo vệ tại công viên Biển Đông bộc bạch: “Đêm nào cũng vậy, mặc cho mưa gió vẫn thấy bà Ni lang thang nhặt vỏ chai ở đây, thấy mà thương quá đỗi!”.
Đêm chỉ có những tiếng thở dài cho những phận người nhỏ bé mưu sinh những ngày cuối năm. |
Con mắt trũng sâu vì mệt mỏi, chị Huỳnh Thị Sương, 44 tuổi, thuê trọ tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng bảo rằng, cái nghề “bới móc” này cũng chẳng sung sướng gì. Vì thứ “cơm từ rác” của thiên hạ ấy mà các chị đã lao vào vòng xoáy mưu sinh mê mệt từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ. Và cũng vì thứ ve chai lúc nửa đêm này mà nhiều nỗi cơ cực và cả những câu chuyện đời, chuyện nghề của các chị cứ thế được bộc bạch ra.
Những người làm nghề nhặt rác đêm như chị Sương, bà Ni thường đi những chiếc xe đạp cà tàng hoặc đi bộ, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Không ai biết mặt mũi họ ra sao, chỉ biết rằng, họ là những người mưu sinh lúc nửa đêm với một nghề không kém phần đặc biệt.
Đêm nào cũng thế, họ hết đi ngõ ngách này đến ngõ ngách khác của phố thị. Đa phần những người phụ nữ nhặt đồng nát về đêm ấy đều có những hoàn cảnh éo le. Người thì chồng mất, người thì quá nghèo khổ, người thì bệnh tật nên thất nghiệp triền miên. Họ đến từ khắp các nơi, có người ở ngoại thành, có người trong hẻm phố, có người ở tỉnh khác cũng về thuê trọ và mưu sinh. Khi đèn phố đã lên, cũng là lúc họ bắt đầu công việc, đến khi chiếc xe hay đôi quang gánh chất đầy những thứ nhặt nhạnh thu vén được thì đồng hồ cũng đã điểm 2 - 3 giờ sáng.
Cũng là nghề nhặt ve chai đồng nát, nhưng những người phụ nữ đi nhặt nhạnh về đêm cực khổ gấp vạn lần khi làm ban ngày. Đời họ gắn với những thùng rác, xe rác. Chị Sương thủ thỉ, bảo những người mưu sinh đêm như chị thường chấp nhận tới 3-4 giờ sáng mới ngủ, sáng ra thì bán những thứ nhặt được hồi đêm lấy tiền trang trải cuộc sống. Cực nhọc mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu!
Không chỉ với chị Sương, bà Ni, mà với nhiều người phụ nữ làm công việc này, mỗi đêm với họ chỉ dám lót dạ bằng ổ bánh mì không, nếu sang hơn thì có chút thịt, chút rau trong đó và giá cả không quá 10 nghìn đồng. Mỗi đêm nhặt nhạnh cũng chỉ được chừng 40-50 nghìn đồng, họ không dám tiêu pha phung phí, vì sau lưng họ là một gia đình, là những đứa con mơ được đến trường, là người chồng bệnh tật với những đơn thuốc lên đến tiền triệu mỗi tháng, là người mẹ già mong tấm áo ấm mùa Đông.
Xoay đời trong những tiếng thở đêm
Đêm mùa Đông có những cơn mưa vội vã đổ xuống phố thị khiến nhiều người vội vã tìm nơi trú nấp, thì những người nhặt đồng nát ve chai lại tất bật trên những chiếc xe đạp, tỏa đi khắp các ngõ kiệt của Đà thành. Ít ai hiểu rằng, làm việc trong điều kiện không có vật dụng bảo hộ, lại ở ngoài trời vào ban đêm, nên những người phụ nữ ấy phải chịu nhiều nguy cơ do tai nạn nghề nghiệp mang lại như các bệnh về da, các vết thương do sơ sẩy lúc nhặt ve chai đồng nát. Tai nạn lúc nhặt ve chai là một chuyện, nỗi sợ hãi bóng tối mới là chuyện đáng nói. Làm việc về đêm, những người phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, thậm chí một số người còn bị những kẻ biến thái, nghiện ngập hay những gã đàn ông say rượu trêu chọc giữa đêm khuya.
Bà Ni với túi phế liệu nhặt cả đêm ở Công Viên Biển Đông, khi trời đã sắp rạng đông. |
Không chỉ những hiểm nguy có thể nhận ra ngay, còn có rất nhiều “cái bẫy”, chị Sương kể, có lần đang đi chị bị gọi giật lại, có người nói rằng đang chuyển nhà nên cần thanh lí một số đồ đạc, nhưng không ngờ đó là mồi câu của ông ta. Đến lúc đang gom mấy cân giấy vụn, chị mới phái hiện ra thủ đoạn của người đàn ông này. Chị phải kêu to rồi vùng chạy mới thoát được. Từ bữa đó trở đi, chị cảnh giác hơn khi gặp những mối như thế.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người không ngớt nói về sự vất vả, cực nhọc. Dường như ánh mắt và nụ cười gượng gạo của họ luôn chất chứa nỗi lo về bữa cơm, manh áo của bản thân, của gia đình. Xoè bàn tay gầy guộc, chai sạn, chị Hải, một phụ nữ ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng mưu sinh bộc bạch: “Tháng cuối năm mà mưa gió thế này thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Mang tiếng là đi làm xa mà cuối năm chẳng mang vật gì đáng giá về cho bọn trẻ, cảm thấy xấu hổ với con. Nhưng biết đâu tuần sau đi dọn nhà mới chắc cũng xin được ít thứ có giá trị mang về cho lũ trẻ có cái chi đó vui Tết chứ!”. Quả thật cái nghề lao động tự do này chẳng ai nói trước được điều gì, cũng giống như sự hên xui vậy.
Dẫu vậy, bên cạnh những hiểm nguy rình rập ấy hay cả nỗi vất vả hằng đêm những người phụ nữ này vẫn có một niềm tin để hi vọng, đó là gia đình nhỏ bé của mình, là những đứa con với tương lai rạng ngời. Những đồng tiền nhọc nhằn nhưng trong sạch chắt chiu từ phế liệu kia đã nuôi nhiều người con khôn lớn, đứa vào đại học, đứa thành tài, đứa lập nghiệp, đứa dựng vợ gả chồng.
Tôi nhìn những chiếc xe chở đầy phế liệu, hay những chiếc bao tải đựng lặc lè vỏ lon, chai nhựa, giấy bồi của các chị cô lẻ giữa màn đêm mà xót xa. Nhưng tôi đã thấy trong đó nét đẹp vĩnh cửu của sự tảo tần, dù có lam lũ nhưng lại đáng trân trọng, có nhọc nhằn vẫn mạnh mẽ trong đêm.
Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt bao đêm như đêm nay, bỏ đằng sau những vất vả và hiểm nguy, mỗi người phụ nữ nhặt phế liệu về đêm vẫn tìm thấy niềm vui nho nhỏ và yên bình của mình. Tôi vẫn thấy các chị cười, nụ cười rực sáng dưới ánh đèn khuya…