“Đòn cứng” của Tổng thống Trump khiến WTO lao đao
Quốc tế 11/12/2019 11:02
Ngày 10/12 là thời điểm hai trong số ba thành viên còn lại của Cơ quan Phúc thẩm (SAB) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoàn thành nhiệm kì 4 năm. Ba thành viên là số lượng tối thiểu để SAB có thể giải quyết các khiếu nại liên quan đến thương mại giữa các thành viên WTO.
Trong hai năm qua, Mỹ đã ngăn cản WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB, cơ quan xét xử cao nhất của WTO. Tất cả 7 thành viên của SAB đều phải được bầu theo nguyên tắc đồng thuận và sẽ không có thành viên mới nếu Mỹ không gật đầu.
Như vậy, các tranh chấp thương mại quốc tế trong thời gian tới sẽ không thể được giải quyết, khiến hệ thống thực thi các quy định của WTO gần như tê liệt.
Việc cơ quan trọng tài thương mại hàng đầu thế giới rơi vào tình cảnh này có thể thúc đẩy các quốc gia tự tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại bằng “luật rừng”. Tổng thống Trump đã chấp nhận kịch bản này, sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ để đòi hỏi những điều khoản thương mại tốt hơn. Ông phớt lờ các quy định của WTO khi đơn phương áp thuế kim loại với cả các đồng minh như Canada, châu Âu và Nhật Bản và đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer trong một phiên điều trần ở quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Trump cùng các cố vấn cấp cao từ lâu đã coi WTO là một “chướng ngại vật” cản trở thực hiện lời hứa “nước Mỹ trên hết”.
WTO được Mỹ và châu Âu thành lập từ hơn hai thập kỉ trước như một giải pháp điều tiết thương mại và thúc đẩy hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, WTO đã gần như thất bại ngay trong chức năng soạn thảo các hiệp định thương mại, khi tổ chức này nhận ra rằng việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Afghanistan và Ấn Độ là điều dường như không thể.
Việc Trung Quốc gia nhập WTO từ ngày 11/12/2001 càng khiến tổ chức này căng thẳng hơn. Chính quyền Tổng thống Trump chỉ trích quyết định của WTO cho phép Trung Quốc hưởng trạng thái đặc biệt như một quốc gia đang phát triển, dù nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Không giống như các tổ chức quốc tế khác, WTO có khả năng thực thi các phán quyết của mình. Khi một quốc gia được xác định là đã chịu tổn thất từ các hoạt động thương mại của nước khác, WTO có thể cho phép nước bị thiệt hại bù đắp thông qua các khoản thuế “trả đũa”.
Mỹ thắng phần lớn các vụ kiện của nước này ở WTO, dù Tổng thống Trump thường khẳng định ngược lại. Hồi tháng 10, WTO đã cho phép Mỹ đánh thuế với 7,5 tỉ USD hàng hóa châu Âu mỗi năm, sau khi phán quyết rằng châu Âu đã trợ giá bất hợp pháp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Tuy nhiên, Mỹ cũng để thua một số vụ kiện và chính quyền Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều thách thức khi liên tục tung đòn thuế trừng phạt các đối tác thương mại.
Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đang trông cậy vào hệ thống xét xử của WTO. Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có EU, Mexico và Canada, không thể chờ đợi phán quyết của WTO và đã có những động thái trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Những người ủng hộ WTO cho rằng, hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức đã đem lại trật tự cho một hệ thống thương mại quốc tế vốn là nơi “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu”. Nhưng giới chỉ trích lại cho rằng, hệ thống này có quá nhiều quyền kiểm soát, đặc biệt là khi 7 thành viên của SAB đưa ra phán quyết có tính ràng buộc.
Cựu tổng thống Barack Obama từng cáo buộc cơ quan phúc thẩm WTO đang thực hiện hoạt động tư pháp, cho rằng họ đang vượt quá thẩm quyền trong việc tạo ra các quy định mới.
Các nước khác chia sẻ mối lo ngại với Mỹ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhưng họ không đồng ý với cách làm của Tổng thống Trump có thể phá hoại tổ chức này. Nhưng các quan chức Washington cho rằng đề xuất cải tổ WTO không đáp ứng yêu cầu của họ và rằng Mỹ đã tham gia với tinh thần xây dựng, song “chưa thấy các quốc gia khác có cách tiếp cận tương tự”.
Các quốc gia thành viên của WTO đang thảo luận biện pháp mới nhằm ứng phó với khả năng SAB biến mất, như xây dựng một quy trình phúc thẩm phi chính thức bất chấp phán quyết của tổ chức. Nhiều nước lại hi vọng rằng SAB có thể được khôi phục khi Trump mãn nhiệm, dù có thể phải chờ đến năm 2021 hoặc 2025.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng việc đình chỉ hoạt động của SAB là một thách thức nghiêm trọng, song điều này “không có nghĩa là dấu chấm hết đối với hệ thống thương mại đa phương”.