Đôi điều về công tác đề bạt cán bộ
Nghiên cứu - Trao đổi 03/07/2024 10:35
Được đề bạt là nhu cầu chính đáng của mọi công chức, đảng viên. Nhu cầu ấy không có gì là xấu, là sai nhưng trong thực tế thì rất tế nhị và ít hiển lộ. Hiện nay, hầu như có rất ít công chức, viên chức thể hiện ra rằng mình muốn được đề bạt. Khi “mong muốn” được đề bạt trở thành “ham muốn” tiêu cực, chi phối làm tha hóa cán bộ, dẫn đến động cơ và hành vi tiêu cực gây tổn hại đến đồng chí, đồng nghiệp và tập thể thì đó mới là sai trái, cần đấu tranh. Ngược lại, từ mong muốn được đề bạt, người cán bộ tích cực phấn đấu nâng cao phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác, đáp ứng tốt các tiêu chí, đồng thời nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng” và tình thương yêu đồng chí thì mong muốn ấy trở thành động lực hữu ích cho sự hoàn thiện của mỗi cán bộ cũng như phong trào thi đua ở mỗi cơ quan, tổ chức. Ở góc độ này, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong nhận diện, lựa chọn phương cách để nhân rộng và phát huy tính tích cực ấy.
Đảng ta luôn luôn định hướng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, vừa có tâm vừa có tầm. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, yếu tố đức phải là đầu tiên: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Trong tài và đức thì đức phải là yếu tố đầu tiên, làm người phải có đức. Thực tế, trong thời gian vừa qua, có không ít cán bộ có tài năng, nhưng thiếu sự rèn luyện, bị suy thoái về đạo đức nên mất hết tất cả, không những ảnh hưởng đến sự nghiệp cá nhân mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng.
Ảnh minh họa |
Không ít trường hợp đề bạt cán bộ sa vào tình trạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai. Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể…”, “Thân quen”, “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ…”. Những hạn chế này hiện là không ít, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm trong đội ngũ cán bộ nói riêng, xói mòn niềm tin của Nhân dân nói chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những chỉ dẫn rất quan trọng cho việc đề bạt cán bộ. Theo Người, việc đề bạt phải bảo đảm tính đúng đắn cần phải chú ý 2 bước: (1) Xem xét, đánh giá trước đề bạt; (2) Sau đề bạt.
Trước khi đề bạt phải xem xét, đánh giá thật kĩ. Xem xét để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không, phải xem người ấy phù hợp với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những bệnh sau đây: 1.Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho rằng họ tốt hơn người bên ngoài; 2.Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3.Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Không ít trường hợp, chúng ta chỉ quan tâm đến giai đoạn trước đề bạt, cả bản thân cán bộ được đề bạt lẫn tổ chức quản lí, sử dụng. Hồ Chí Minh phê phán và yêu cầu sau khi đề bạt phải theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra. Người phê phán kiểu cất nhắc giả tạo, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kĩ, khi cất nhắc rồi thì không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên; một cán bộ bị nhắc lên thả xuống 3 lần như thế là hỏng cả đời.
Có lẽ đã đến lúc thực hiện bầu cử trực tiếp ở cơ sở. Trình độ dân trí hiện nay đã đủ để sáng suốt lựa chọn những người có đủ tài, đức vào những cương vị quan trọng, thay mặt họ để quản lí, điều hành công việc, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của quần chúng. Bằng cách đó, dân được làm chủ thực sự. Đảng thể hiện sự lãnh đạo tập trung của mình bằng lãnh đạo các khâu trong công tác cán bộ: Xây dựng tiêu chuẩn, phát hiện, đánh giá, đào tạo, huấn luyện… Cán bộ, giới thiệu người của Đảng để quần chúng lựa chọn và chuẩn y khi có kết quả bầu. Nếu đảng uỷ thấy cán bộ trúng cử không đủ tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài, không chuẩn y. Ứng cử viên khi tham gia tranh cử phải trình bày cương lĩnh hành động của mình trước cử tri. Người đắc cử tự hào, người không trúng cũng thỏa mãn. Đó mới là sự đồng thuận thật sự giữa Đảng và Dân. Ai cũng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Dân. Quần chúng thấy rõ trách nhiệm của mình khi bỏ phiếu lựa chọn cán bộ. Loại được những kẻ cơ hội mỏng đức, kém tài, đầu cơ chính trị được “đè đầu, cưỡi cổ” người khác. Hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” không có điều kiện nảy sinh, tồn tại. Quan hệ giữa người với người trong cơ quan, đơn vị sẽ thoải mái, trong sáng, thân thiện. Môi trường chính trị - xã hội trở nên trong sạch. Đội ngũ cán bộ là những hiền tài, sẽ là “nguyên khí” làm nên sự hưng thịnh cơ quan, đơn vị, cơ sở, địa phương.