Nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ
Xã hội 08/11/2023 16:25
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội theo Quy định số 262-QĐ/TƯ ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị thời gian qua còn một số hạn chế. Đó là một bộ phận người đứng đầu, lãnh đạo, cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ việc lấy phiếu tín nhiệm. Một số trường hợp chưa phản ánh thực chất kết quả công việc, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm; còn tình trạng nể nang, chưa khách quan, công tâm, lợi ích nhóm,…
Nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ |
Để khắc phục những bất cập trên, ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TƯ về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lí trong hệ thống chính trị. Quy định nêu rõ 3 mức tín nhiệm gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Với Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương. Với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để triển khai Quy định số 96-QĐ/TƯ, tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; xem xét việc bổ sung dự thảo nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2023.
Việc lấy phiếu tín nhiệm vào các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ. Việc này cần tỏ rõ chính kiến của đại biểu trong việc nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, cả về thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác được giao và đạo đức, lối sống. Đây là việc làm cần thiết, vì có đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thể giúp cho cán bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm, công tâm, khách quan thì cần có những bước chuẩn bị chặt chẽ. Đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm trình bày đầy đủ về quá trình làm việc, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu một cách toàn diện, kể cả việc làm gương không những của cán bộ mà vợ con, người thân. Với những cán bộ tín nhiệm ở tỉ lệ cao thì cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, để xứng đáng trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với cán bộ tìn nhiệm thấp thì phải có hình thức xử lí, xem xét chuyển đổi vị trí công tác hoặc yêu cầu từ chức.
Thiết nghĩ, lấy phiếu tín nhiệm là một dịp để những người có chức danh được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tự nhìn nhận ưu, khuyết điểm của bản thân. Điều quan trọng hơn là bảo đảm thực chất trong công tác đánh giá, sắp xếp, bố trị lại, hoặc sa thải cán bộ; qua đó đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp.