Rào cản trong tiến hành các cuộc cách mạng

Nghiên cứu - Trao đổi 20/07/2020 15:42
Quá trình theo dõi hoạt động của Quốc hội nhiều năm, xin có mấy ý kiến luận bàn.
Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội được hợp thành bởi các ĐBQH do cử tri cả nước bầu ra cho mỗi nhiệm kì. Có thể khẳng định rằng, nhân vật trung tâm của Quốc hội chính là các ĐBQH và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được chính các ĐBQH quyết định.
ĐBQH chuyên trách - họ là ai?
Thuật ngữ “ĐBQH hoạt động chuyên trách”, “ĐBQH chuyên trách” hay “Đại biểu chuyên trách” hiện được sử dụng khá phổ biến trong sinh hoạt của Quốc hội. Dù với tên gọi như thế nào thì về bản chất đó là các ĐBQH làm việc theo chế độ chuyên trách; có nghĩa là các ĐBQH này dành toàn bộ thời gian làm việc của mình cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH mà họ là thành viên. Thuật ngữ ĐBQH làm việc theo chế độ chuyên trách xuất hiện từ nhiệm kì Quốc hội khóa VIII, cụ thể là kì họp thứ 11 thông qua Luật tổ chức Quốc hội. Theo đó, điều 37 quy định: “Trong số các ĐBQH, có những đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách và có những đại biểu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Số lượng ĐBQH hoạt động theo chế độ chuyên trách do Quốc hội quyết định”.
![]() |
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại tổ: Nhất trí cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. |
Từ chủ trương đó, khóa XI đã chủ động cơ cấu trước bầu cử và bố trí ĐBQH hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH được 119 người (gần 25%). Các nhiệm kì tiếp theo, số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần lên, đến khóa XIV là hơn 35% trong tổng số ĐBQH.
Có thể thấy, điểm giống nhau cơ bản nhất giữa ĐBQH hoạt động theo chế độ chuyên trách và ĐBQH hoạt động không chuyên trách, đó là họ đều là ĐBQH, được cử tri bầu ra thông qua bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, có những quyền và nghĩa vụ của một ĐBQH mà Hiến pháp, pháp luật đã trao cho họ.
Điều khác nhau giữa hai hình thức ở chỗ, đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách được dành toàn bộ thời gian làm việc cho việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; còn ĐBQH hoạt động theo chế độ không chuyên trách được dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc cho việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH. Một điểm khác rất quan trọng nữa là việc bố trí các chức danh đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách đã tiệm cận đến tính chuyên nghiệp, tính đến năng lực hoạt động chính trị và khả năng chuyên môn. Theo đó, đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách ở Trung ương được bố trí cho các chức danh lãnh đạo Quốc hội, thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; ở địa phương, mỗi Đoàn ĐBQH cũng có thể bố trí từ 1 đến 2 ĐBQH làm việc theo chế độ chuyên trách, thông thường giữ chức vụ Phó trưởng Đoàn ĐBQH.
Có thể nói, sự ra đời đội ngũ ĐBQH chuyên trách là phù hợp với thể chế chính trị nước ta. Đó là một nhu cầu khách quan, tự thân và đòi hỏi không chỉ từ phía Quốc hội mà còn của cả xã hội, là nhu cầu của sự phát triển, kết quả của công cuộc đổi mới đất nước. Việc khẳng định bằng luật về vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách là một bước tiến quan trọng về mặt nhận thức, góp phần quyết định vào việc chuyển Quốc hội từ hoạt động hình thức sang hoạt động thực chất.
Những vấn đề đặt ra
Với gần 6 nhiệm kì, từ khóa IX đến khóa XIV có thể khẳng định rằng, việc quy định và thực hiện chủ trương trong số các ĐBQH có đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách là hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị nước ta, tiệm cận dần đến hình thức chuyên nghiệp trong hoạt động của ĐBQH, của các cơ quan Quốc hội và cả Quốc hội.
Tuy nhiên, từ thực tiễn lựa chọn, cơ cấu, bố trí và hoạt động của ĐBQH chuyên trách mấy nhiệm kì qua cho thấy đang còn một số vấn đề đặt ra cần được quan tâm, bàn bạc kĩ.
Thứ nhất, trong hệ thống chính trị nước ta, ĐBQH hoạt động theo chế độ chuyên trách đều thuộc đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức được một cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị giới thiệu ra ứng cử ĐBQH, dự kiến tham gia cơ quan, giữ vị trí nào trong Quốc hội. Một trong số các yêu cầu chính là độ tuổi công tác, độ tuổi bổ nhiệm. Đây cũng là vấn đề cần được xử lí, bởi vì trong không ít trường hợp không thể bố trí tiếp tục tái cử, mặc dù đang ở độ chín của vị trí công tác mà đại biểu đó đang đảm nhiệm.
Thứ hai, thực tiễn mấy nhiệm kì vừa qua cho thấy, nguồn các ứng cử viên làm ĐBQH chuyên trách luôn được định hướng từ tương đương cấp vụ trưởng trở lên đối với đại biểu hoạt động ở Trung ương, hoặc là cấp ủy viên của Đảng bộ cấp tỉnh hoặc tương đương giám đốc sở đối với đại biểu hoạt động ở địa phương. Như thế, một mặt chúng ta đã khoanh vùng đối tượng lựa chọn chủ yếu trong khu vực công, khu vực nhà nước; tạo nên sự bất bình đẳng giữa các khu vực công - tư, và dường như không hoàn toàn phù hợp với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực của sự phát triển.
Các vấn đề trên đây cần được các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để có giải pháp căn cơ từ thể chế bầu cử, lựa chọn, tạo nguồn, cũng như các chế độ bảo đảm cho ĐBQH chuyên trách hoạt động có hiệu quả.