Để lễ hội yên vui, mang nhiều ý nghĩa
Trong mắt người già 14/12/2022 10:02
Trải qua biến thiên của lịch sử, lễ hội ở Việt Nam vẫn tồn tại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, đời sống của Nhân dân được nâng lên; do đó, việc tham gia lễ hội, trở thành nhu cầu chính đáng của mọi người.
Theo Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó, lễ hội dân gian chiếm tới 88%. Những năm qua, công tác quản lí và tổ chức lễ hội được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân. Do đó, các hoạt động diễn ra theo đúng quy định của Nhà nước, Chính phủ. Cơ sở vật chất ở các lễ hội được đầu tư nâng cấp. Trình độ tổ chức và quản lí ở nhiều địa phương từng bước chuyển biến, tiến bộ.
Những lễ hội lớn ở ba miền Bắc, Trung, Nam được nâng tầm; góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của từng địa phương. Công tác tuyên truyền đổi mới với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao ý thức của Nhân dân về giá trị các di sản, công đức danh nhân; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và quảng bá du lịch đạt hiệu quả...
Nhưng qua thực tế, một số lễ hội còn hạn chế, nhược điểm: Kéo dài, quá thời gian quy định; nội dung trùng lặp, vay mượn, làm biến dạng nghi thức cúng lễ. Có nơi, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi của địa phương; chú trọng khai thác giá trị kinh tế, làm phai mờ bản sắc văn hóa lễ hội. Ngoài ra, trong một số lễ hội còn hiện tượng cờ bạc, mê tín dị đoan, lưu hành ấn phẩm lậu.
Để khắc phục những tiêu cực nói trên, cần có các giải pháp quản lí và tổ chức lễ hội chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ; bảo đảm nguyên tắc: Nhà nước chỉ đạo, quản lí, điều hành; Nhân dân tổ chức thực hiện.
Lễ hội đầu năm mới là nét văn hóa của người Việt. Để các lễ hội diễn ra trang trọng, văn minh, an toàn, yên vui, có ý nghĩa nhân văn, thì ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, vai trò quan trọng vẫn là ý thức của Nhân dân tham dự, để góp phần phát huy giá trị nhân văn của dân tộc.