Để Hội Xuân thực sự là nét đẹp của văn hóa Việt
Văn hóa - Thể thao 22/02/2024 10:27
Lễ hội của nước ta diễn ra suốt trong một năm, nhưng tập trung hơn cả vào hai kì Xuân và Thu, theo kiểu: “Xuân thu nhị kì”, trong đó hội Xuân chiếm số lượng hơn 2/3 số lễ hội trong cả năm. Thế nên hội Xuân là đại diện tiêu biểu nhất của lễ hội Việt Nam.
Người xưa có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đúng là có vui chơi, hội hè thật, nhưng cũng bắt đầu của mùa làm ăn, lao động. Đêm Giao thừa hay trong ba ngày Tết, các làng có nghi lễ động thổ, tức đánh thức đất dậy sau kì ngủ đông, để các gia đình sau Tết còn xuống đồng bắt đầu vụ gieo cấy lúa Xuân - Hè. Người làm nghề biển, mùng 4 có lễ cầu ngư, bắt đầu mùa đánh cá biển. Nghề rừng, mùng 6 là ngày lễ mở cửa rừng, mở hội chùa Hương suốt trong ba tháng Xuân. Nay có thêm “Mùa Xuân là Tết trồng cây” theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Người theo nghề chữ nghĩa, có lễ khai bút, người làm quan xưa, làm lễ khai ấn vào 14 tháng Giêng, một nghi lễ bắt đầu từ thời nhà Trần. Người đi buôn, đầu năm đi lễ các đền phủ cầu may, cầu tài lộc (Hội chợ Viềng mua may bán rủi, hội Thánh Mẫu ở Phủ Dầy, Bà Chúa Xứ, Tháp Bà Nha Trang, Bà Đen, Thiên Hậu... vào tháng 3 cầu tài lộc, sức khoẻ,...).
Hội mùa Xuân còn là những chuỗi hội kị giỗ, tưởng nhớ, tôn vinh những con người, những thần linh có công lao đánh giặc giữ nước, công lao tạo dựng quê hương, từ đó hình thành một truyền thống Xuân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Đó là mùa Xuân với những chiến công của Hai Bà Trưng (Xuân năm 40), Bà Triệu (Xuân năm 248), Lý Bí (Xuân 542 - 544), Ngô Quyền (Xuân 939), Lê Hoàn (Xuân 981), Lí Thường Kiệt (Xuân 1076), Trần Hưng Đạo (Xuân 1258 chiến thắng Đông Bộ Đầu), Lê Lợi (1418), Quang Trung (Xuân đại phá quân Thanh 1789), Hồ Chí Minh (Xuân Mậu Thân, 1968 “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”), rồi mùa Xuân 1975.
Đấy là chưa kể ở các làng xã, lễ hội mở ra trong dịp này đều tưởng nhớ, tôn vinh những người có công với từng thôn làng được người đời sau tôn thờ là các Thành hoàng làng. Đây là cuốn lịch sử ghi lại sinh động tên tuổi, chiến công giữ nước và dựng nước của dân tộc. Còn lễ hội chùa Hương ai đi cũng đều cảm nhận được sự kết hợp hành hương về núi rừng và nhu cầu lễ Phật. Đây là sự kết tinh nhiều giá trị văn hoá, không chỉ đáp ứng nhu cầu của con người trong xã hội cổ truyền mà còn cả con người trong xã hội hiện đại nữa. Vì thế lễ hội chùa Hương năm nào cũng đông vui.
Lễ hội đền Hùng thì hướng con người trở về với cội nguồn dân tộc. Hoạt động chính của lễ hội là “quốc tế” (tế với nghi thức quốc gia) biểu thị sự tôn kính và biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hội Xuân nói riêng và lễ hội nói chung đã lắng đọng, kết tinh nhiều giá trị văn hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu con người trong xã hội cổ truyền mà cả con người hiện nay. Bởi càng tiến xa trên con đường hiện đại hoá, con người càng có nhu cầu hướng về cội nguồn. Lễ hội chính là môi trường để tạo nên sự cố kết, gắn bó cộng đồng, biểu dương sức mạnh cộng đồng, tạo nên sức mạnh cho mỗi dân tộc trong xã hội truyền thống vượt qua các trở ngại thiên tai giặc giã. Không những thế mà cả với con người hiện đại trước thách thức về môi trường, sự mất còn của bản sắc dân tộc.
Tôi nhiều lần tự hỏi: Nếu mỗi làng, mỗi vùng và cả nước ta không có lễ hội diễn ra hằng năm, thì không rõ văn hoá Việt Nam sẽ đi đâu về đâu, sẽ mất còn ra sao? Ai cũng thấy những giá trị cao đẹp của lễ hội truyền thống. Nhưng lễ hội, nhất là lễ hội Xuân đang diễn ra hằng năm, khiến cho người ta không khỏi băn khoăn, trăn trở! Lễ hội xưa thật là phong phú, đa dạng, mỗi làng có nét độc đáo riêng theo kiểu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tầy Rã La!”, sao nay nó nhất loạt, đơn điệu, khiến người ta đi xem hội thấy nhàm chán! Lễ hội xưa linh thiêng, thăng hoa làm vậy, nhưng nay sao lại có xu hướng trần tục hoá? Lễ hội xưa cũng có cúng bái, ăn uống, mua bán, vui chơi, cũng có chen lấn, xô bồ kiểu “tả tơi đi xem hội” nhưng nay người ta đi theo hướng thương mại hoá, chụp dựt, buôn thần bán thánh vậy? Tất cả những cái đó đã ít nhiều làm phai nhạt đi những giá trị tốt đẹp của lễ hội cổ truyền.
Câu hỏi, trăn trở trên đặt ra cho tất cả chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, cho những người làm công tác quản lí Nhà nước cần làm gì để bộ mặt lễ hội trở nên trong sáng, lành mạnh, đẹp đẽ hơn.