Dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm ở người cao tuổi
Bệnh người già 25/07/2020 10:53
Người cao tuổi có nguy cơ dễ bị trầm cảm. Ảnh minh họa |
Trầm cảm đang trở thành bệnh lý tâm thần phổ biến trong xã hội hiện đại. Không chỉ gặp ở phụ nữ sau sinh, người trẻ bị sang chấn tâm lý mà còn gặp nhiều ở người cao tuổi. Bác sĩ Đỗ Thị Linh, khoa Tâm thần (Bệnh viện Lão khoa trung ương) từng chia sẻ với báo chí, trầm cảm được phân vào nhóm rối loạn cảm xúc, thường xảy ra ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng hơn 10%, tổng số người cao tuổi cả nước. Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, tỷ lệ NCT đến khám sức khỏe ban đầu có dấu hiệu bị trầm cảm chiếm khoảng 25 - 30%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người cao tuổi. Trong đó, phổ biến nhất những tác động của cuộc sống về hưu, thời gian rảnh rỗi nhiều, thay đổi chỗ ở, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, mất mát tài sản, thói quen sinh hoạt không lành mạnh…Ở một số người cao tuổi, thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe, sự lão hóa và cô độc. Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực của các bệnh lý mãn tính và cái chết của người thân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần của người cao tuổi.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi
Ngoài dấu hiệu dễ biết là tâm trạng đi xuống, thường xuyên cảm thấy buồn chán thì trầm cảm ở người cao tuổi thường có những biểu hiện sau đây:
- Chứng trầm cảm ở người cao tuổi khiến họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải không rõ lý do hoặc đơn giản là cảm thấy mệt và không muốn làm bất cứ điều gì.
- Khó ngủ, ngủ ít, thường xuyên thức dậy sớm hơn 1 - 2 giờ so với thông thường và khó có thể tiếp tục giấc ngủ.
- Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều. Mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí.
- Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo hoặc xem truyền hình.
Khi bị trầm cảm, người cao tuổi có thể cảm thấy mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt... |
- Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường.
- Có ý nghĩ buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội bản thân.
- Đặc biệt có ý nghĩ tới cái chết. Tại một thời điểm nào đó, người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng thậm chí sẽ tới việc kết thúc tất cả.
Vì vậy, bệnh trầm cảm cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi hiện nay, bao gồm dùng thuốc chống trầm cảm, trị liệu tâm lý và thư giãn luyện tập. Để tránh mắc trầm cảm, người cao tuổi nên tạo môi trường sống thoải mái, vui vẻ, hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống.
Ngoài ra, bản thân người cao tuổi cũng phải dự phòng tránh bị trầm cảm cho mình, bằng cách tham gia các hoạt động tập thể như các câu lạc bộ dưỡng sinh, tổ hưu trí, câu lạc bộ văn hóa - văn hệ… Đồng thời, xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích, vận động thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý.