Trầm cảm, căn bệnh nguy hại đối với NCT
Sức khỏe 15/04/2024 10:34
Chồng bà Vũ là thợ hàn, công việc thường luân chuyển đây đó, nên bà phải ở nhà chăm 2 đứa con thơ. Ở quê, do giao lưu ít, cuộc sống diễn ra buồn tẻ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của bà. Có lần bà nói với hàng xóm: “Tôi chỉ muốn có một nghề gì đó, đi làm để ra đồng tiền, chứ thi thoảng ông ấy về đưa cho mấy đồng chi tiêu, nghĩ nhục lắm”. Ước muốn của bà không bao giờ thành, vì con cái, nhà cửa, ruộng vườn cứ trói chặt lấy chân bà.
Ảnh minh họa |
Khi bước vào tuổi 50, ban đầu, bà có biểu hiện sút cân, gầy guộc, tóc bạc nhanh, má hóp lại, miệng luôn lẩm bẩm một mình. Gia đình cho là bị ma ám, cúng bái nhiều, cũng chẳng khỏi. Đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần, uống thuốc, nhưng bệnh vẫn thế và ngày càng nặng thêm.
Các con của bà lấy vợ, lấy chồng đều ở xa, rất ít về nhà. Chồng bà về hưu với mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, nên chi tiêu phải hết sức tằn tiện. Sức khỏe của bà ngày một nghiêm trọng; thậm chí cắm nồi cơm điện cũng khó khăn, chứ đừng nói đến làm gì khác. Đặc biệt, sự minh mẫn không còn là điều rất đáng lo ngại.
Từ một người khỏe mạnh, hiền lành, giờ có tuổi, cuộc sống của bà càng bi đát, khi thể trạng yếu ớt, thần kinh điên loạn, không biết đâu mà lần...
Trầm cảm là căn bệnh nguy hại, hay xảy ra ở phụ nữ sau sinh và cả người cao tuổi. Khi cuộc sống khó khăn, đói kém, cứ phải bất an, lo lắng. Ban đầu có thể là mất ngủ kéo dài, giảm cân, ít nói, sa sút trí tuệ, lúc nhớ, lúc quên, hay buồn bã, không được khám chữa kịp thời, bệnh sẽ phát triển ngày càng trầm trọng, rồi trở thành thần kinh, điên dại. Nhà mà có người như thế là tai họa ập xuống đầu.
Cảnh giác với bệnh trầm cảm, bằng cách tăng cường giao lưu, tìm đến những nơi vui vẻ, để thư giãn, xả stress. Không để bệnh nặng rồi mới đi chữa trị, sẽ không hiệu quả.