Đánh bắt thủy sản mùa cá ra
Đời sống 05/11/2019 15:00
Gia đình anh Lê Thanh Hải ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sắm trên 500m lưới giăng trên cánh đồng nước phía sau nhà - nơi gần vàm kênh, mỗi ngày bắt được từ 5 - 7 kg cá các loại. Ngày nào trúng, anh thu hơn 10 kg cá, bán được trên 150.000 đồng... vừa có cái ăn hằng ngày, vừa có nguồn thu nhập cho gia đình. Còn ông Hoàng ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông sắm một cần vó cất đặt ở vàm kênh Cà Dăm, mỗi ngày cất được gần 5 kg cá, tép các loại; ngày nào trúng kiếm được hơn 7 kg cá - nhiều nhất là cá linh, cá chốt, cá thiểu, lòng tong… thu được từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng. Ông Hoàng cho biết: Muốn có một dàn vó cất để bắt cá phải sắm ít nhất 20kg lưới và gần 10 cây tre, gáo, tràm… Mỗi dàn vó phải có bộ khung lưới gồm 4 cây tre dài kết chéo hình chữ thập gắn với nhau vừa cơ động, vừa chặt chẽ với dàn cất đòn bẩy để việc cất vó đạt hiệu quả cao…
Bên cạnh nghề cất vó, người dân Đồng Tháp còn sử dụng phương tiện quăng chài, đánh lưới giựt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Loại hình này đánh bắt rất hữu hiệu, cá tôm không tài nào thoát ra được… Mỗi dàn lưới giựt tuỳ theo lòng kênh sâu, nông, rộng, hẹp… mà mua sắm cho phù hợp. Khi thực hiện mỗi mẻ lưới giựt cần phải có từ 7 - 10 lao động. Trước tiên, cho hai chiếc tàu có lắp máy chạy cặp kè, khi tới điểm xuất phát lưới được bủa xuống kênh; lập tức 2 chiếc tàu tách ra 2 phía từ từ xa nhau và lưới mỗi lúc được bung rộng ra. Viền dưới của 2 đầu lưới được treo 2 thỏi chì nặng cỡ 30kg trở lên để bám sát mặt đáy kênh… Hai chiếc tàu chạy khoảng 500m là phát tín hiệu cho tàu sáp lại gần nhau như ban đầu. Trong phút chốc các lao động kéo lưới nối ráp lại; cử ra một người có kinh nghiệm kéo nhanh viền dưới của lưới lên không cho cá tôm thoát ra… Các loại thủy sản đều nằm gọn trong lưới. Trung bình mỗi đợt đánh lưới giựt thu được khoảng 30kg cá các loại… Mỗi mùa cá ra cũng kiếm được chừng 15 - 20 triệu đồng.
Anh Hào ở xã Hòa Bình chia sẻ: “Với một chiếc xuồng nhỏ và một cái chài, vào thời điểm cá ra, vợ chồng tôi bơi xuồng tới các vàm kênh mỗi ngày bắt được 4 - 5kg cá là chuyện bình thường!”. Vợ anh Hào tiếp lời: “Năm nay, cá tép không nhiều do thời tiết không thuận lợi mà còn có những người thiếu ý thức sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản mang tính hủy diệt… Vợ chồng tôi tuy đánh bắt được ít cá, nhưng nhờ bán được giá cao nên gia đình đỡ khó khăn về cái ăn, cái mặc trong mùa nước nổi. Cá bắt được làm thức ăn hằng ngày, nếu có dư đem ra chợ bán. Gặp ngày nào cá nhiều, dội chợ… tôi đem về ủ mắm, phơi khô để dành ăn”.
Dân miền châu thổ đồng bằng Sông Cửu Long với bản tính siêng năng, cần cù… có được chiếc xuồng, tay lưới, giàn câu, cái chài… sẽ không bao giờ lo thiếu đói. Mỗi ngày đêm, bà con đi thả lưới, giăng câu, quăng chài, cất vó… bắt thủy sản đem bán mua gạo và các vật dụng cần thiết là hình thức mưu sinh trong mùa nước nổi. Đó cũng là phương kế kiếm sống hiệu quả và thiết thực nhất!