Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 5)
Sức khỏe 05/11/2020 10:00
A. Công năng tạng Tâm với sức khỏe con người
7. Sự giống và khác nhau giữa tạng Tâm và quả Tim
Như vậy tạng Tâm trong Y học cổ truyền có các công năng sau đây:
Tâm chủ Thần minh
Tâm chủ huyết mạnh, tinh hoa của tâm biểu hiện ra ở mặt
Tâm chủ Quân hỏa
Tâm khai khiếu ra lưỡi
Hệ thống Tim mạch trong Y học hiện đại bao gồm quả tim và mạch máu cũng đảm nhiệm các chức năng quan trọng trong cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người. Các chức năng của hệ thống tim mạch bao gồm:
Cung cấp oxi và dưỡng chất cho các cơ quan, tổ chức. Đồng thời đưa các chất thải đến các cơ quan có nhiệm vụ đào thải ra ngoài.
Là kênh thông tin liên lạc bằng thể dịch: Máu vận chuyển các hormon, các enzym đến các cơ quan, giúp liên lạc giữa các cơ quan với nhau.
Điều hòa thân nhiệt: Dòng máu nóng giúp sưởi ấm cho các cơ quan, đồng thời làm nhiệm vụ tản nhiệt cho cơ thể khi nhiệt độ cơ thể tăng cao.
Như vậy, giữa tạng Tâm của Y học cổ truyền và quả Tim của Y học hiện đại có nhiều điểm tương đồng.
Cả hai cùng có vai trò quyết định sự sống còn của cơ thể.
Cả hai cùng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa huyết (máu) đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể.
Hệ tim mạch có vai trò điều hòa thân nhiệt cơ thể. Đây là một phần trong vai trò chức năng “Quân hỏa” của tạng Tâm.
Tuy nhiên, tạng Tâm và quả tim không phải là một. Chúng ta thấy các chức năng của hệ tim mạch trong Y học hiện đại là một phần chức năng của tạng Tâm trong Y học cổ truyền. Có một số chức năng của tạng Tâm mà quả Tim trong Y học hiện đại không có.
Tâm là quân chủ, điều hành hoạt động của ngũ tạng lục phủ, giữ cho các tạng phủ hoạt động nhịp nhàng. Trong khi đó tim mạch giữ vai trò như một kênh dẫn truyền thông tin, vận chuyển hormone, enzym giúp các cơ quan liên lạc với nhau.
Tâm khai khiếu ra ở lưỡi, các biểu hiện của lưỡi có thể cho biết tình trạng hoạt động của tạng Tâm.
“Quân hỏa” của Tâm không phải chỉ là đưa nhiệt đến sưởi ấm cho các cơ quan, cơ thể; mà thứ “hỏa” này còn giúp co các tạng phủ phát sinh, phát triển.
8. Sự giống và khác nhau giữa Tâm bào lạc và màng tim
Tâm bào lạc và màng tim đều là bộ phận bao bọc bên ngoài và bảo vệ một tạng, một cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên sự bảo vệ này không phải hoàn toàn giống nhau.
Màng tim có chức năng giữ cho tim có cấu trúc tốt nhất, tránh khỏi tình trạng tim giãn đột ngột, ngăn chặn việc đổ đầy quá mức của tim, ngăn cách tim với các cấu trúc xung quanh. Đồng thời màng ngoài tim giúp giảm ma sát với giữa tim với các cấu trúc xung quanh khi tim co bóp. Tuy nhiên, nếu không có màng ngoài tim thì chức năng của tim vẫn được duy trì.
Trong khi đó, Tâm bào lạc cũng bảo vệ tạng Tâm nhưng có vai trò quan trọng. Nếu thiếu sự bảo vệ của Tâm bào lạc, tạng Tâm có thể bị tà khí xâm nhập vào và gây bệnh. Nếu tà khí xâm nhập vào tạng Tâm đồng nghĩa với việc sự sống của một người bị đe dọa. Đồng thời, ngoài vai trò bảo vệ tạng Tâm khỏi sự xâm nhập của tà khí, Tâm bào lạc còn đóng vai trò như cánh tay của Tâm, thay mặt tạng Tâm (quân chủ - vua) mà hành sự.
Như vậy, cùng là tổ chức bảo vệ bên ngoài của một tạng, một cơ quan quan trọng trong cơ thể, nhưng Tâm bào lạc có vai trò quan trọng hơn và nó được coi là một tạng. Trong khi đó màng tim chỉ được coi như một lớp màng bảo vệ, chứ không phải một cơ quan.
Mời quý độc giả đón đọc kì 6 với nội dung tiếp theo của: “Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 4) |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 3) |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 2) |