Chuyên gia nêu cách xác định triệu chứng hậu COVID-19
Y tế 14/03/2022 18:12
Chuyên gia nêu cách xác định triệu chứng hậu COVID-19. Ảnh minh hoạ |
Theo Tiến sỹ Diaz, có khoảng 200 triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn hậu COVID-19 và phổ biến nhất là 3 triệu chứng gồm mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức gây tình trạng sương mù não (suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung).
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng đề cập tới các bất thường tim mạch. Cụ thể, kết quả nghiên cứu các bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ trong vòng 1 năm sau khỏi bệnh cho thấy, nguy cơ tim mạch ở nhóm này tăng lên với các dạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, cục máu đông, có nguy cơ gây tử vong.
Tiến sỹ Diaz khuyến nghị cần đi khám sức khỏe nếu vẫn gặp phải các triệu chứng hậu COVID-19 sau 3 tháng nhiễm bệnh, hay còn gọi là tình trạng COVID kéo dài.
Theo chuyên gia WHO, không có phương pháp điều trị chung cho mọi trường hợp mà phải tập trung vào các triệu chứng của từng người. Hiện không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu COVID-19. Những người từng mắc COVID-19 nên hạn chế vận động, tránh làm việc quá sức nếu còn mệt mỏi hoặc gặp tình trạng sương mù não, bên cạnh đó, nên tham khảo ý kiến kịp thời từ bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.
Để cải thiện tình trạng sương mù não, Tiến sỹ David Strain - Giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Exeter cho rằng, có thể huấn luyện não bộ bằng cách thực hiện các hoạt động kích thích nhận thức, như chơi đố chữ, học ngôn ngữ mới…Ngoài ra, cần tăng tương tác xã hội thường xuyên và hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng thần kinh.
Tiến sỹ Jeremy Rossman - Giảng viên cao cấp về virus học tại Đại học Kent cho biết, người bệnh sau khi phục hồi cần nghỉ ngơi đầy đủ trong 6 tuần, uống đủ nước, đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin C và tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ quãng ngắn.
Đối với trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ, các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2-6 tuần nếu có biểu hiện như: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài; Trẻ bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…Khi xuất hiện những biểu hiện trên, cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.
Đáng chú ý, riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu,…Vì vậy khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không, PGS.TS Bác sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương nhấn mạnh.
Xuất hiện thêm biến chủng mới lây lan nhanh: Làm gì để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi? Việc khắc phục hội chứng hậu COVID-19 chưa qua, nỗi lo tái nhiễm do chủng mới lại đến, nhiều người lo lắng tìm kiếm giải ... |
Hậu Covid-19: Dấu hiệu nào cần khám bác sỹ? Nhiều bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 mặc dù được xác định là khỏi bệnh nhưng các triệu chứng vẫn còn tồn tại dai dẳng, thậm ... |