Chàng trai Ba Na làm homestay trả nghĩa buôn làng
Xã hội 12/10/2022 10:00
Người mở đường
Nhiều năm trước, khi còn công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, trong những lần dẫn khách du lịch đến thăm huyện Kbang, thấy nhu cầu của khách muốn được trải nghiệm và khám phá Tây Nguyên, A Ngưi suy nghĩ phải làm gì đó để níu giữ du khách, đồng thời quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na.
Thế là A Ngưi thuyết phục gia đình, gom góp tiền dựng lên những ngôi nhà sàn của người Ba Na, dựng thêm nhiều lều trại bằng tranh tre dân dã, thiết kế những tour khám phá văn hóa bản địa, các tour trải nghiệm thiên nhiên. A Ngưi lần mò khảo sát các tuyến đường đi thác Hang Dơi, thác Hang Én; hay suối Đăk Lôp, thác Kon Lok... đều là những ngọn thác đồ sộ bên cạnh rừng nguyên sinh rậm rạp những cây cổ thụ thẳng tắp, di tích huyền thoại cánh đồng Cô hầu (người vợ Ba Na) của Vua Tây Sơn, hay làng kháng chiến Stơr của anh hùng Núp lẫy lừng, làng Chiêng đậm chất Ba Na... Khảo sát xong, A Ngưi lên lịch trình tour tuyến, và chính anh làm hướng dẫn viên, dẫn đường đưa du khách khám phá những điều kì bí và vẻ đẹp nơi đây.
Làng Kgiang làm tốt du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa dân tộc. |
Cái xem đã có rồi, còn cái ăn, cái chơi, cái mang về... phải làm cho du khách ai cũng hào hứng và thích thú, lúc về phải vấn vương lưu luyến muốn quay trở lại. Thấy trong làng nhiều người biết những bài chinh chêng cổ, những bài dân ca Ba Na, thổ cẩm vẫn còn nhiều người dệt, đan lát vẫn còn nhiều người làm, làng có nhiều gà, heo, trâu bò, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu... đến cả căn nhà rông tre nứa nhỏ đẹp, với những đường lượn hoa văn như sóng nước ở làng, hay những chiếc bẫy săn thú thuở xưa,... Là cử nhân văn hóa, A Ngưi biết di sản không phải chỉ là cái vô hình, mà còn có cả những vật chất dù nhỏ, nhưng gom góp lại sẽ tạo thành một tổng thể di sản và có thể khai thác được.
Thế là A Ngưi vận động dân làng xây dựng lên làng du lịch cộng đồng. Một người theo, rồi nhiều người theo. Một tay A Ngưi cắt đặt công việc, từ xây dựng những khu nghỉ ngơi cho khách, tới dựng lại khuôn viên làng cho đậm chất Ba Na, tới việc tìm tòi và tập những bản chiêng chinh, những bài dân ca, cắt đặt người nào ra việc đó, sắp xếp thời gian, lên lịch tour tuyến để du khách có thể trải nghiệm tốt nhất văn hóa và cả thiên nhiên của vùng đất này.
Trả nghĩa với buôn làng
Từ năm 2019, khi bắt đầu làm du lịch, đôi chân của A Ngưi dường như không nghỉ, in hằn khắp núi rừng huyện Kbang. Nhờ đó mà làng Kgiang dưới chân ngọn núi Kông Lơng Khơng bây giờ trở thành ngôi làng du lịch hấp dẫn.
Ngày đón những lượt khách đầu tiên, những gia đình tham gia phục vụ, từ bán con gà, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu, hay mặc trang phục dân tộc diễn tấu ching chêng đều có thù lao bằng hoặc hơn hẳn một ngày đi làm rẫy thuê.
Trên diện tích 1 ha, Homestay của A Ngưi có 6 khu nghỉ và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại nhà sinh hoạt chung, A Ngưi bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Ba Na: Cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt... Du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống của người Ba Na như cơm lam, gà nướng, cà đắng, cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy, áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi... hay được trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối cũng như các tour du lịch sinh thái.
Trung bình mỗi tuần homestay đón từ 30 đến 100 khách. Vào dịp cuối tuần, lượng khách đi theo đoàn tăng đột biến, lên đến 4 - 5 đoàn. A Ngưi vừa hoàn thành Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kgiang. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt mở ra bức tranh chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Homestay của A Ngưi có thể đón 200 khách cùng lúc. Đây không những là điểm nhấn du lịch cộng đồng của huyện Kbang, mà còn là mô hình kiểu mẫu về tổ chức sản xuất; giúp đồng bào bản địa phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Từ ngày A Ngưi làm du lịch, cả làng được nhờ. Ngoài việc lo chuyện đồng áng, giờ đây dân làng trồng thêm vườn rau, nuôi thêm con gà, con heo; khi rảnh rỗi bà con tụ về nhà rông tập luyện cồng chiêng. Già làng Kgiang Đinh Plich phấn khởi: “Mới đầu, người làng không tin A Ngưi làm được nhưng sau này thấy khách đến đông nên ai cũng hào hứng, chỉ cần A Ngưi gọi là có mặt. Nhờ A Ngưi mà dân làng có thêm việc làm, thu nhập”.
A Ngưi trở thành người dẫn đường cho người làng cùng làm theo. |
Còn A Ngưi bộc bạch: “Người Bâhnar mình có âm thanh ching chêng, đàn T’rưng... hay thế, giàu có thế; đẹp từ căn nhà rông đến bộ váy áo sơn nữ; ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối, cơm ống nứa, mà còn thơm mùi vị của những trái bí, trái bầu, nắm rau rừng...Tôi muốn đưa văn hóa của người Ba Na đến gần hơn với du khách. Vì thế, tôi chọn du lịch cộng đồng để vừa quảng bá vừa bảo tồn theo kiểu “lấy di sản nuôi di sản”. Phát triển du lịch cộng đồng là cách bảo tồn lâu dài và bền vững để người dân trong làng cùng làm giàu trên chính quê hương mình”.
Hiện A Ngưi xây dựng và đào tạo nâng cao sự chuyên nghiệp cho người dân trong phục vụ du lịch. Đồng thời, thu hút khách du lịch, kết hợp các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Homestay A Ngưi Kbang bây giờ không chỉ là điểm hẹn yêu thích của du khách khi đến với Tây Nguyên, mà còn là nguồn cảm hứng để dân làng Ba Na nơi đây bắt tay làm du lịch từ chính di sản cha ông để lại và bảo tồn văn hóa của mình. Đó cũng là cách để Đinh A Ngưi “trả nghĩa” với buôn làng Tây Nguyên.
Ông Trần Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết: “Mô hình làm du lịch này đã tạo việc làm cho gần 200 người trong làng, với mức thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài việc biểu diễn cồng chiêng, đan lát,... mỗi người dân đều có thể trở thành “hướng dẫn viên” thân thiện, nhiệt tình giới thiệu và quảng bá văn hóa địa phương. Hiện làng Kgiang có khoảng 30 người có kĩ năng hướng dẫn khách đi trải nghiệm thực tế”. |