Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nuôi tôm ở xã Giao Hà
Pháp luật - Bạn đọc 15/07/2022 10:43
Dân bất ngờ với cách làm của chính quyền
Ông Trần Văn Quân, chủ đầm tôm tại xã Giao Hà cho biết, dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua được Nhân dân đồng tình ủng hộ, chưa bao giờ có ý định cản trở, chống đối. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đo đạc, kiểm đếm tài sản trên các ao, đầm mà dân thuê để nuôi trồng thủy sản và cây trồng không được chính quyền địa phương xem xét thấu đáo, bồi thường không thỏa đáng, không giải quyết đơn khiếu nại kịp thời, mới dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Lỗi thuộc về chính quyền chứ không phải tại dân. Nay chính quyền cho lực lượng, cùng phương tiện vào khu vực ao đầm nuôi tôm, nơi gia đình ông đang thả 25 vạn con tôm (đã nuôi được 5 tháng, sắp đến thời điểm thu hoạch), để vây bắt tôm từ đầm nọ đổ sang đầm kia, mà không được dân đồng ý, không có bất cứ văn bản hay quyết định chính thức nào đưa ra là quá coi thường pháp luật.
Ông Phùng Văn Kiêm, 60 tuổi, ở xóm 5 cho biết, khu vực này có gần 20 hộ dân được UBND xã Giao Hà kí Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn, theo Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ “Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp”, sang “Nuôi trồng thủy sản nước ngọt” từ năm 2004. Gia đình ông Kiên quản lí, sử dụng ổn định, liên tục từ thời điểm được giao đất cho đến nay, hằng năm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Kinh phí mà các hộ đầu tư cho khu nuôi thủy sản, lên đến hàng tỉ đồng.
Đầm của gia đình ông Quân, bị chính quyền cưỡng chế hút nước, bắt tôm, san lấp vào ngày 8/7/2022. |
Từ cuối năm 2020, chính quyền thông báo, một phần diện tích đất mà các hộ dân đang quản lí, sử dụng sẽ được Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn xã Giao Hà. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tháng chờ đợi, các hộ dân vẫn không nhận được các quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện quy trình thu hồi đất. Thứ giấy tờ duy nhất người dân được chính quyền địa phương giao cho là “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC), nhưng không có ngày, tháng lập; không có chữ kí, con dấu của người và cơ quan có thẩm quyền.
Thậm chí,“Bảng kê kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất” mà người dân chụp lại được bằng điện thoại, từ cán bộ khi thực hiện xuống thực địa kiểm đếm, đo đạc… lại không có ngày, tháng, năm; không có đại diện các cơ quan trong Hội đồng BTHT&TĐC kí, đóng dấu; hoặc đại diện các cơ quan Nhà nước có mặt tại buổi kiểm đếm kí, đóng dấu mà chỉ có một người tên là Nguyễn Đình Trang (không rõ chức vụ) kí.
Trong khi đó, chính quyền huyện Giao Thủy và xã Giao Hà lại yêu cầu các hộ dân chỉ mang Chứng minh Nhân dân đến UBND xã Giao Hà, để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Nhưng với số tiền bồi thường, hỗ trợ nêu trong “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” là không thỏa đáng, không có cơ sở pháp lí, trái với các quy định của Luật Đất đai, tại Điều 69; Điều 88; Điều 90; Điều 91… cũng như quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đặc biệt, không đúng với Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016, của UBND tỉnh Nam Định, ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; Quyết định số 62/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021, ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Ông Kiêm cho rằng: “Chúng tôi xác định, mình chỉ là người sử dụng đất được UBND xã Giao Hà giao, thông qua Hợp đồng thuê đất, nên không thuộc diện được Nhà nước bồi thường về đất. Tuy nhiên, trên diện tích đất mà Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, qua địa phận các hộ dân đang sử dụng, có rất nhiều tài sản có giá trị hàng tỉ đồng, cũng như giá trị đầu tư mà các hộ gia đình đã bỏ ra suốt bao năm qua. Như vậy, chúng tôi phải được bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật”.
Cần giải quyết khiếu nại theo quy định
Người dân cho biết, mặc dù đã làm đơn khiếu nại và được Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy thụ lí giải quyết, nhưng chính quyền huyện mới một lần duy nhất mời dân lên đối thoại vào ngày 22/4/2022, mà lại không đi đúng trọng tâm nội dung khiếu nại, nên người dân không đồng tình. Sau buổi đối thoại cho đến nay, người dân cũng không nhận được kết quả giải quyết khiếu nại, hoặc quyết định gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại, liên quan đến nội dung khiếu nại từ phía UBND huyện Giao Thủy, theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại, về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu…
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, ngày 1/7/2022, các hộ dân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Theo Phiếu báo phát từ Bưu cục, thì Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã nhận được đơn khiếu nại lần hai của các hộ dân. Trong khi đang chờ giải quyết đơn khiếu nại từ lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, bất ngờ từ ngày 8/7/2022, chính quyền huyện Giao Thủy và xã Giao Hà cho người, phương tiện, máy móc vào diện tích khu đang nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Quân, sắp tới đến khu đầm của các hộ khác, để thi công xây dựng, mà không có bất cứ văn bản, quyết định chính thức nào đưa ra.
Liên quan đến vụ việc, Tạp chí Người cao tuổi đã gửi giấy giới thiệu, nội dung và đặt lịch làm việc với Văn Phòng UBND huyện Giao Thủy từ tháng 3/2022. Ngày 12/7/2022, qua điện thoại, ông Trần Hoài Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy cho phóng viên biết, vụ việc đã giao cho Thanh tra huyện kiểm tra, làm rõ, bao giờ có kết quả sẽ trả lời cụ thể cho báo chí.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, việc chính quyền huyện Giao Thủy không quan tâm giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân mà lại huy động lực lượng, phương tiện máy móc vào khu đầm ao của người dân đang nuôi trồng thủy sản để triển khai thi công dự án đường ven biển cho kịp tiến độ, nhưng quyền lợi chính đáng của dân lại bị “ngó lơ” là khó có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, theo ý kiến của người dân, việc các lực lượng chức năng tự ý xâm phạm vào tài sản hợp pháp của người dân là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tẩu tán chứng cứ. Do đó, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định cần vào cuộc xem xét, chỉ đạo, xác minh và yêu cầu tạm dừng việc thi công công trình, giữ nguyên hiện trạng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẩn trương thụ lí, giải quyết khiếu nại của các hộ dân theo quy định của Luật Khiếu nại, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân. “Nếu cưỡng chế xong sẽ làm mất đi hiện trạng, chứng cứ thì căn cứ vào đâu để cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh. |