Bộ Xây dựng tri ân và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để phóng viên các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin
Xã hội 14/06/2023 13:39
Tham dự buổi họp báo còn có lãnh đạo đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì buổi họp báo và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ kiệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023). |
Phát biểu tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh đã thông báo nội dung báo cáo tóm tắt Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Xây dựng.
Về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của ngành, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt trên 41.7% (tăng 0,7 % so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 95,1% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn: 16,3% (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom: 16,3% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Về xây dựng pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết, 1 Chỉ thị; 4 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư. Đồng thời, khẩn trương soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; thực hiện các thủ tục theo quy định để xây dựng Dự án Luật về Quản lý phát triển đô thị, Luật về Cấp, thoát nước để trình Chính phủ trước ngày 01/11/2023.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh phát biểu tại buổi họp báo và gặp mặt các cơ quan báo chí. |
Về công tác quản lý Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 đồ án quy hoạch và 7 nhiệm vụ quy hoạch; tiếp tục triển khai thẩm định 4 Đồ án quy hoạch xây dựng và 7 Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; có ý kiến đối với 43 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.
Đối với công tác quản lý phát triển đô thị, từ đầu năm 2023 đến nay đã có 22 đô thị được công nhận loại đô thị gồm 2 đô thị loại II, 20 đô thị loại V (10 thị trấn và 10 xã); 14 đô thị được thành lập mới (03 thị xã, 11 thị trấn), 01 thị trấn điều chỉnh mở rộng, 2 đô thị thành lập thêm phường; Đã hướng dẫn, lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị cho 4 đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng như công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý nhà và thị trường bất động sản; quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý vật liệu xây dựng: hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế: thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo chương trình, kế hoạch được giao, trọng tâm là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; trình Chính phủ đề xuất các Luật điều chỉnh về Quản lý, phát triển đô thị; Cấp thoát nước; khẩn trương xây dựng Luật Quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội kỳ họp thứ 7 năm 2024; các văn bản pháp luật theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ… Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Cũng tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải đã thông tin thêm về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải phát biểu tại buổi họp báo và gặp mặt các cơ quan báo chí. |
Theo đó, Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành đã căn cứ theo các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Đề án, cụ thể như sau: Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 01/01/2024), bao gồm nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.
Ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, theo đó cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, trong đó có 02 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội: (i) gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng (đến nay đã giải ngân 4.381/15.000 tỷ đồng cho khoảng 12.200 khách hàng); (ii) hỗ trợ lãi suất 2% cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư thông qua các ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Phối hợp triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này.
Ngày 19/5/2023, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành địa phương về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”
Về kết quả đầu tư, xây dựng: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, cụ thể: Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ. Đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Vũ Anh Tú phát biểu tại buổi họp báo và gặp mặt các cơ quan báo chí. |
Về công tác quy hoạch, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Vũ Anh Tú cho biết, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là căn cứ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị, nông thôn và khu chức năng. Theo quy định pháp luật hiện hành, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng bao gồm cấp độ: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; được lập, phê duyệt theo hướng cụ thể, chi tiết hóa dần để làm cơ sở quản lý tổng thể phát triển đô thị, khu vực trong đô thị và kiểm soát dự án đầu tư xây dựng. Hiện nay, việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại một số địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất như: Phạm vi, quy mô khu vực phát triển đô thị được lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với định hướng phát triển không gian theo quy hoạch chung đã được phê duyệt; chỉ tiêu sử dụng đất tại quy hoạch chung chưa phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; vị trí, quy mô hệ thống công trình dịch vụ - công cộng, đặc biệt là hệ thống công viên cây xanh công cộng chưa thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch; quy mô dân số tại quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ tại quy hoạch phân khu; chưa đề xuất cụ thể nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị; . . .
Thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng; Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 về thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Đồng thời, đến nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023; phần lớn các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt hoặc đang được thẩm định.
Quang cảnh buổi họp báo và gặp mặt các cơ quan báo chí. |
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (bao gồm chỉ đạo của Thủ tướng đối với công tác quy hoạch gắn với thủ tục đầu tư), Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản số 2309/BXD-QHKT ngày 05/6/2023 về rà soát công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số biện pháp sau: Một là, Tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Hai là, tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn đồng thời với việc rà soát các dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; rà soát, bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch để thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.
Ba là, khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt, trình phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất và lập dự án đầu tư xây dựng.
Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019, Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 để nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Phát biểu tại buổi họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng Bộ Xây dựng trong thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, báo chí luôn thực tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách; sự điều hành của Chính phủ cũng như của ngành Xây dựng. Thông tin do phóng viên, báo chí thực hiện đều đầy đủ nội dung, kịp thời, khách quan về các hoạt động của ngành Xây dựng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đồng thời nêu bật thành tích của ngành trên các lĩnh vực; phản ánh bất cập; có ý kiến phản biện mang tính chất đóng góp, xây dựng, giúp ngành Xây dựng có nhiều thông tin đa chiều và tăng cường thêm khả năng quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ luôn chủ động cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các phóng viên, cơ quan báo chí tiếp cận và đón nhận thông tin kịp thời thông qua các cuộc họp báo thường kỳ và các thông tin mà dư luận quan tâm.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2023), Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh gửi lời chúc mừng tới các cơ quan báo chí và lời tri ân về những đóng góp, nỗ lực của phóng viên, báo chí đã đồng hành cùng ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng trong suốt thời gian vừa qua. Đồng thời mong muốn các đơn vị báo chí sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành với Bộ và ngành Xây dựng trong thời gian tới.