Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa
Y tế 26/04/2022 17:12
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã giao Cục Y tế Dự phòng có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc từng bước thực hiện bình thường hóa.
"Tới đây, chúng ta sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Việc này là từng bước để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chúng ta không khai báo vì chúng ta không thực hiện truy vết nữa", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện quá trình bình thường hóa, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm nào sẽ bỏ khai báo y tế.
Với khai báo khi nhập cảnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cũng đã yêu cầu phải trở lại trạng thái bình thường, tức là chỉ khai báo theo đúng điều lệ quốc tế, trong đó yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Nhân dân |
Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang có xu hướng giảm, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường, từng bước thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh biện pháp 5K thành 2K (khẩu trang, khử khuẩn) cho phù hợp với tình hình mới.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đưa COVID-19 khỏi danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm) và xem như bệnh thông thường.
Hai kịch bản chống dịch trong thời gian tới đã được ngành y tế đưa ra. Theo đó, kịch bản đầu tiên là biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Nhờ miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.
Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường nếu mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường, tập trung chủ yếu vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền...
Kịch bản thứ hai, khi sự hiểu biết của chúng ta với SARS-CoV-2 đến nay vẫn chưa được toàn diện. Trong bối cảnh giao lưu đi lại nhiều, việc liên tục xuất hiện các biến chủng mới vẫn có khả năng xảy ra, làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng.
Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như từng làm.
Dù thời điểm này, Việt Nam đã có các vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phải thường xuyên cập nhật, kể cả về thuốc điều trị hay công nghệ vaccine.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng cả nước giảm 56.5%, số ca tử vong giảm 60.5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44.9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38.6%. |
Thay đổi quy định nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất Sở Y tế thành phố vừa yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP.Hồ Chí Minh bỏ khâu kiểm tra hành khách ... |
Chính phủ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 13 nước Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số quốc gia trên thế ... |