Bình ổn giá để góp phần ổn định cuộc sống NCT
Nghiên cứu - Trao đổi 29/06/2022 09:47
Theo tiêu chí của chương trình bình ổn giá, giá bán sản phẩm trong chương trình thấp hơn giá thị trường sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5-10%. Bên cạnh đó, trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng từ 5% trở lên… DN được đăng kí thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường với ngành Tài chính.
Vì thế, mới đây theo đề nghị của một số DN thực phẩm, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã có văn bản điều chỉnh tăng giá các mặt hàng trứng gia cầm của DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022 và Tết Quý Mão 2023. Theo đó, các loại trứng gia cầm được điều chỉnh tăng từ 5,71- 6,78% so với mức trước đây.
Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế |
Tuy nhiên, “cơn bão” giá vẫn đang tác động mạnh đến thị trường và tâm lí người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng cao tuổi. Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước. Đáng chú ý, giá thực phẩm tháng 5/2022 tăng 0,22% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng.
Chính vì thế, dù được điều chỉnh giá bình ổn theo thỏa thuận, nhưng bài toán bình ổn giá vẫn rất “cam go” với nhiều DN ngành bán lẻ. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá trứng bình ổn mà DN đăng kí chênh lệch khoảng 12-15% so với giá bán trên thị trường. Ông Thiện cũng cho hay, hiện 80-90% sản lượng trứng của DN được bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường. Với sản lượng bán ra mỗi ngày tăng ít nhất 50% so với số lượng đăng kí trong chương trình, DN đang phải gồng lỗ vì giá đầu vào tăng khoảng 40% so với tháng 6/2021.
Nói về công tác bình ổn giá thị trường hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định, những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước, khiến công tác bình ổn giá trở nên thách thức hơn, buộc DN phải thay đổi cách làm. Vì thế, bình ổn giá hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch... Hiện phía Co.op Mart đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kì năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022, để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá.
Do đó, các DN bán lẻ đang phải tìm đủ mọi cách để giữ giá ổn định, tránh biến động giá quá lớn. Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho hay, Công ty đã phải xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa, mở các cửa hàng gần hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí khi giá xăng dầu tăng. Trong bối cảnh biến động giá cả hàng hóa do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng cao, DN đã chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm nỗ lực kìm giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm nhằm góp phần ổn định cuộc sống người tiêu dùng có thu nhập thấp, nhất là NCT.
Mặt khác, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số DN bán lẻ vẫn liên tục mở rộng để tăng lượng khách hàng, tăng lượng tiêu thụ, từ đó bù đắp cho việc bình ổn giá. Ngoài ra, một số DN cho biết sẽ chú trọng hơn vào việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán trực tuyến. Bởi theo một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, phần đông người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm do quan ngại về giá cả, trong đó họ sẽ chú trọng nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà. Do đó, các DN phải nắm bắt xu thế này để không chỉ bình ổn về giá cả mà còn hướng đến đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế là kích cầu tiêu dùng nội địa. Người dân chi tiêu nhiều hơn thì DN mới bán được hàng, phục hồi nhanh chóng sản xuất. Tuy nhiên, với những biến động về giá cả như hiện nay thì các cơ quan quản lí cũng như DN cần có cách ứng xử phù hợp, vừa tránh cú sốc cho thị trường nhưng vẫn đảm bảo DN an tâm sản xuất, có động lực để phát triển.