Bấp bênh thị trường năng lượng
Quốc tế 07/02/2023 11:04
Biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển vốn có hiệu lực từ tháng 12/2022. Biện pháp mới cấm các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga nếu không được mua bán ở hoặc dưới mức giá trần đặt ra, cũng áp dụng với các công ty hỗ trợ kĩ thuật, môi giới hoặc tài chính như các công ty bảo hiểm cho các hãng vận chuyển dầu mỏ tinh chế của Nga.
Mức phạt với công ty vi phạm có thể lên đến 5% doanh thu toàn cầu. Các nước EU, G7 và Australia cũng đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng với các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2, lần lượt là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu.
Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. |
Giới phân tích cho rằng, biện pháp này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời gây thêm nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế thế giới. Giá dầu diesel vốn đã tăng cao kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát gần 1 năm trước, được dự báo tiếp tục tăng sau động thái mới của EU. Riêng năm 2022, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng từ mức 1,66 euro/l lên 2,14 euro/l. Giá năng lượng tăng là yếu tố chính dẫn tới tình trạng lạm phát ở châu Âu vốn đã khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và hoạt động kinh tế chậm lại.
Nguồn cung từ Nga bị hạn chế, châu Âu phải tăng nhập khẩu dầu diesel từ châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu cao hơn đối với các tàu chở dầu nhiên liệu vào châu Âu, đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển đang tăng lên, làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng.
Thực tế, lệnh cấm của EU cũng làm gia tăng tâm lí lo ngại chuỗi cung ứng có thể gián đoạn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm của EU có thể sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn so với biện pháp cấm dầu thô trước đó và các thị trường sẽ thêm hoảng loạn. Trong tuần qua, người mua đã gấp rút đổ dầu diesel của Nga đầy các bể chứa dầu châu Âu, với lượng mua vào trong tháng này ước tính đạt mức cao nhất trong một năm. Theo hãng phân tích dầu mỏ Vortexa, tính từ đầu năm 2023, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu đạt trung bình 700.000 thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021, do các thương nhân đổ xô mua vào trước lệnh cấm…
Trong khi đó, Điện Kremlin cảnh báo các thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bấp bênh hơn khi EU cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga, nhưng Moskva đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích đất nước trước những nguy cơ liên quan. Khi EU, G7 và Australia áp giá trần với dầu xuất khẩu Nga, Moskva đã tuyên bố cấm bán dầu cho những quốc gia và công ty áp dụng giá trần. Giới phân tích tin rằng, Moskva có thể điều hướng dầu tinh chế xuất khẩu bằng đường biển tới Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi…
Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt đều cần thời gian để đánh giá kết quả và tác động, trong khi quá trình triển khai sẽ chịu chi phối của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nguy cơ các rắc rối kinh tế xã hội trong nội bộ EU nói riêng hay châu Âu nói chung trở nên trầm trọng hơn là điều phải tính đến. Những tác động này có thể dần lan rộng và ảnh hưởng ở mức độ nhất định tới nền kinh tế toàn cầu vốn đang cần ổn định để phục hồi hậu đại dịch Covid-19…