Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm người Khmer ở Văn Giáo
Xã hội 20/09/2023 09:24
Thời gian qua, UBND xã Văn Giáo đã thực hiện mô hình hỗ trợ mua nguyên liệu cho 25 hộ nghèo là xã viên làng dệt thổ cẩm dân tộc Khmer Văn Giáo, bằng hình thức cho vay không tính lãi, với số tiền 125 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện đề án giảm nghèo của UBND thị xã, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Tịnh Biên giải ngân cho 8 hộ có nhu cầu vay vốn mua nguyên liệu, làm mới khung dệt với số tiền 80 triệu đồng, để các hộ có điều kiện duy trì nghề truyền thống.
Giai đoạn 2020 - 2023, UBND xã Văn Giáo đã mở 3 lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho 90 phụ nữ Khmer tại địa phương. Qua đó nhằm bảo tồn, nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho các thợ dệt, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bà con.
Thiếu nữ Khmer bên khung dệt thổ cẩm. |
Là nghệ nhân dệt thổ cẩm, bà Neàng Sa Mon, 65 tuổi, người truyền nghề cho nhiều phụ nữ chia sẻ: “Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Khmer đều hoàn toàn bằng thủ công. Thông thường, thợ giỏi phải mất 5 - 7 ngày mới xong một sản phẩm, nên rất cần sự hỗ trợ về vốn, điều kiện sản xuất. Tùy theo trình độ người thợ, sản phẩm hoa văn phức tạp hay giản đơn”.
Sản phẩm thổ cẩm Khmer Văn Giáo ngoài tiêu thụ ở các tỉnh Nam Bộ nơi có đồng bào Khmer sinh sống, còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Myanmar... Một số sản phẩm cao cấp phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, với thương hiệu “Silk Khmer”.
Bước đầu, địa phương đã kết nối một số tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh đưa khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề. Hiện làng nghề có một sản phẩm sà rông được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi đến du khách gần xa, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Tuy nhiên, làng dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo đang đối mặt với những khó khăn trong mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề truyền thống này. Về cơ sở vật chất, làng dệt có một nhà trưng bày sản phẩm và 10 khung dệt do UBND thị xã Tịnh Biên hỗ trợ từ năm 2014, đến nay đã xuống cấp không còn hoạt động. Bên cạnh, chi phí đầu vào tăng cùng với thời gian tạo ra sản phẩm dài dẫn đến giá thành sản phẩm cao, rất khó bán cho khách du lịch trong nước. Ngoài ra, người dân trong làng nghề sản xuất theo tính chất hộ gia đình nên hoạt động còn riêng lẻ, chưa chú trọng vào đầu tư, phát triển sản phẩm mới…
Nhằm phát huy giá trị sản phẩm thổ cẩm Khmer truyền thống, chính quyền xã Văn Giáo đã đề ra mục tiêu phát triển làng nghề nhằm tăng thu nhập cho người dân, ổn định đời sống kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ vốn, điều kiện sản xuất và kết nối thị trường cho thổ cẩm Khmer Văn Giáo gắn với kết nối các tour, tuyến du lịch khi có đoàn khách đến địa phương.
Thời gian tới, thị xã sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề cho phụ nữ Khmer, nhằm tạo việc làm, để từng bước giúp họ thoát nghèo bền vững. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề với nhiều mẫu mã đẹp, hấp dẫn du khách và giá cả hợp lí để kích cầu. Địa phương cùng ngành chuyên môn hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, giới thiệu, bán sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, xây dựng thương hiệu nhằm tìm thêm đầu ra cho thổ cẩm Khmer gắn với phát triển du lịch, tạo động lực để làng nghề phát triển tốt hơn.