Bao giờ người dân “hết khổ” vì bụi, tiềm ẩn mất an toàn giao thông?
Nhịp cầu bạn đọc 04/06/2022 14:20
Người dân nói gì về những đoàn xe chở đất
Theo người dân các phường Quang Trung, Trưng Vương (TP Uông Bí), phường Đông Mai, xã Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), gần 2 năm qua, tình trạng xe chở đất đá, khai thác từ mỏ đất Hang Hùm, Bắc Sơn, và một số mỏ khác, có dấu hiệu cơi nới thùng quá khổ, quá tải hoạt động liên tục qua các khu dân cư thuộc phường Bắc Sơn, Quang Trung, Trưng Vương hướng về tỉnh lộ 338 để san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Amata.
Bà Trần Thị Huệ, ở ngõ 92, tổ 23, khu 7, phường Quang Trung cho biết, gia đình tôi có 2 gian nhà sát đường, hai năm trước mở quán bán hàng, nay xe đất chạy suốt ngày, họ tưới nước thì đường lầy lội, trơn trượt, không tưới nước thì bụi nên đành phải đóng cửa chuyển nghề đi làm việc khác. Còn ông Đặng Văn Quang (sinh năm 1962), và một số NCT trú tại phường Quang Trung, bức xúc nói: Xe tải trọng lớn chạy với tốc độ cao, đặc biệt khi tránh nhau, phanh gấp, nhà chúng tôi rung lên tưởng như sắp sập, còn đường sá thì xuống cấp nghiêm trọng bởi mỗi ngày hàng trăm lượt xe cày xới. Nắng thì bụi, tưới nước thì bẩn, mưa thì đọng nước, xe chạy nước bắn tung tóe ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Mặc dù ở vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh nhưng bà Trần Thị Huệ, ngõ 92, tổ 23, khu 7, phường Quang Trung, buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của các đoàn xe chở đất. |
Phản ánh với phóng viên Tạp chí Ngày mới online, ông Nguyễn Văn Tiến bức xúc nói: "Gần 2 năm nay, người dân chúng tôi thường xuyên được "hít, hứng" không dám nói là hưởng "bụi", ông bảo như thế có “sướng” không. Kiến nghị mãi chẳng thấy chuyển biến gì cả, ngày một tồi tệ hơn, chúng tôi già rồi thì không tính, chứ con cháu chúng tôi hàng ngày phải qua lại tuyến đường này uất lắm, không biết bao nhiêu gam bụi chui vào phổi chúng rồi. Một vấn đề đặt ra là các phương tiện ngang nhiên cơi nới thùng xe cao gấp 2-3 lần cho phép, đất đá rơi vãi khắp tuyến đường di chuyển, phóng nhanh vượt ẩu gây mất an toàn giao thông. Ông còn phàn nàn rằng: Không biết chính quyền, và Công an đi đâu, sao họ không vào kiểm tra, ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng trên? Nghe đài, xem ti vi tôi thấy, Quảng Ninh có mấy tổ lưu động cân xe, sao họ không về đặt trạm cân ở tuyến đường này mà cân những xe quá khổ quá tải này và phạt họ, cắt thùng, giảm tải để cho dân chúng tôi đỡ khổ. Hình như các cơ quan chức năng "xem nhẹ " vấn đề này ông ạ, hay là có ai đó chống lưng cho họ, để họ mặc sức vẫy vùng?".
Nhiều xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải lưu thông trên đường 18A qua địa phận phường Quang Trung, TP Uông Bí. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (NCT) ở khu Minh Hòa, phường Đông Mai, do nhà của gia đình ông Tiến sát với Tỉnh lộ 338, xe đất lưu thông với mật độ cao, đất đá rơi vãi nhiều, để hạn chế bụi bẩn vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe cháu con, ông đã phải sắm máy bơm cứ vài tiếng lại bơm nước rửa đường một lần.
Ông Nguyễn Văn Tiến, ở khu Minh Hòa, phường Đông Mai, bơm nước rửa đường, chống bụi. |
Đâu chỉ có người người dân bị ảnh hưởng
Tại Ga Bàn Cờ, thuộc tổ 23, khu 7, phường Quang Trung, chúng tôi ghi nhận hai công nhân thuộc Công ty CP Đường sắt Hà - Lạng có trụ sở chính tại Bắc Giang, là anh Trần Văn Tuyển và anh Kiều Văn Mạnh đang vận chuyển “đá bây” để be, lấp sự sụt, lở ảnh hưởng đến đường ray, tà vẹt, tàu hỏa cắt ngang tuyến đường mà đoàn xe chở đất từ mỏ đất Hang Hùm và Bắc Sơn ra. Qua trao đổi với anh Tuyển và anh Mạnh (Chi nhánh quản lý tuyến đường sắt qua TP Uông Bí hiện có trụ sở tại phường Thanh Sơn), được biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuyến tàu hỏa từ ga Yên Viên xuống Hạ Long và ngược lại hơn hai năm qua không hoạt động, nhưng đoạn đường sắt cắt ngang tuyến đường dân sinh ở Ga Bàn Cờ này chúng em phải bảo dưỡng, bồi trúc thường xuyên. Nguyên nhân do mật độ xe chở đất quá tải đi qua đây quá nhiều, khi đơn vị chở đất tưới nước chống bụi, nước đọng làm sụt, vỡ đường, kéo theo đất đá, để an toàn cho người qua lại cũng như bảo vệ hệ thống đường ray, tà vẹt, buộc Công ty chúng em phải tu bổ thường xuyên.
Công nhân Công ty CP Đường sắt Hà - Lạng đổ bây, bồi trúc, bảo dưởng bảo vệ ray, tà vẹt đường tàu tại Ga Bàn Cờ thuộc địa phận phường Quang Trung. |
Theo anh Tuyển, mỗi tuần phải tu bổ một lần, mỗi lần phải sử dụng một xe đá bây từ 3 đến 4 mét khối, trung bình mỗi một mét khối 350.000 đến 400.000 đồng, chưa kể 2 công san gạt, như vậy mỗi tháng Công ty CP Đường sắt Hà - Lạng chi phí vào đoạn đường này không ít tiền. Tìm hiểu thêm về nguồn kinh phí tu bổ, phóng viên được anh Trần Văn Tuyển nối máy với anh Nguyễn Văn Bình, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Chi nhánh cho biết: Toàn bộ kinh phí mua vật liệu được lấy từ nguồn kinh phí bảo dưỡng, bảo trì của Công ty, theo như em được biết Công ty cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố về vấn đề này nhưng không được giải quyết với giải thích vì tuyến đường dân sinh có trước tuyến đường sắt …
Anh Trần Văn Tuyển và anh Kiều Văn Mạnh đang vận chuyển “đá bây” để bảo vệ đường ray, tà vẹt tại Ga Bàn Cờ. |
Hiện trên địa bàn TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên có ít nhất 5 mỏ đất đang khai thác và hiện có mỏ chưa đủ các thủ tục theo quy định. Tôi đã xem hồ sơ một mỏ đất được cấp phép khai thác trên địa bàn phường Đông Mai, mỗi năm họ được phép khai thác 200 nghìn tấn đất và “được” đóng những 46 triệu tiền phí môi trường/năm. Người dân Quang Trung, Trưng Vương (TP Uông Bí), Sông Khoai, Đông Mai (thị xã Quảng Yên) hai năm nay hít phải khói bụi này, chắc chưa ai thống kê bao đã có bao nhiêu người bị bệnh phổi và những bệnh khác.
Xe đất dồn về san lấp Khu công nghiệp Amata xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. |
Thật là không thể tưởng tượng nổi, dù thời tiết nắng nhưng đường vẫn ướt, lầy lội, do doanh nghiệp tưới nước “nửa vời”; từng đoàn, từng đoàn xe với đủ các loại thi nhau chạy từ hướng thành phố Uông Bí về . Xe đi, xe về, cuốn theo bụi bẩn... Đành rằng muốn phát triển thì phải "hy sinh" nhưng hy sinh cái gì không thể khắc phục được. Đằng này chủ doanh nghiệp có thể khắc phục được nhưng kệ; sống chết mặc bay, chính quyền và chủ đầu tư thì chỉ nghĩ đến “tiến độ”.
Xe đất dồn về san lấp Khu công nghiệp Amata xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. |
Ngày 3/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm xuyên suốt “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Người dân mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần sớm vào cuộc và có phương án xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.
Tạp chí Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên