Bắc Kạn: Làm cả dự án nhưng không có bãi đổ thải(!?)
Đơn thư bạn đọc 19/09/2019 08:35
Công ty CP xây dựng Thăng Long đổ đất, đá thải xuống khe suối Bó Pja (ảnh: Tuấn Sơn) |
Đó là thực tế đang diễn ra tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT254 ở tỉnh Bắc Kạn. Đây là một trong những dự án giao thông lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, khi hoàn thành sẽ nối Khu du lịch ATK Chợ Đồn với Khu du lịch hồ Ba Bể.
Theo thiết kế, công trình nâng cấp và mở rộng đường tỉnh ĐT254 thuộc loại đường cấp IV miền núi; Tốc độ thiết kế 40km/h, với tổng chiều dài đoạn nâng cấp mở rộng là gần 40km, từ Km70+300 đến Km105+000 và đoạn tránh thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn. Theo trục cắt ngang, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m, tải trọng thiết kế đường là trục xe 12T với các hạng mục chủ yếu là nền mặt đường, hệ thống thoát nước, cầu, an toàn giao thông thiết kế kết cấu mặt đường phù hợp cho các đoạn tuyến hay bị ngập lụt.
Dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 800 tỉ đồng, chia làm 06 gói thầu, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngay từ quá trình tổ chức đấu thầu, Dự án mở rộng, nâng cấp đường ĐT254 tỉnh Bắc Kạn đã phát sinh nhiều khiếu kiện buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Văn bản xác nhận về bãi đổ thải của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn gửi các cơ quan báo chí |
Sau những "lình xình" chưa được làm sáng tỏ, cũng tại dự án này, nhiều thông tin bạn đọc cung cấp cho thấy các nhà thầu thi công công trình đã đổ hàng nghìn m3 đất đổ thải không đúng với thiết kế được duyệt.
Theo đó, tại nhiều khu đất của người dân, hay sông suối được các nhà thầu tận dụng làm nơi đổ đất thải. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã không hoàn tất thủ tục thu hồi đất để làm 5 bãi đổ thải theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được duyệt.
Cụ thể, 5 bãi thải trong hồ sơ thiết kế và dự toán được duyệt có khả năng chứa 1.211.000m3 đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất các thủ tục thu hồi gồm: Bãi đổ thải Km2+500: 330.000m3; bãi đổ thải Km82+400: 515.000m3; bãi đổ thải Km88+600: 219.000m3; bãi đổ thải Km102+200: 140.000m3; bãi đổ thải Km102+700: 7.000m3.
Mặc dù 5 điểm đổ thải chưa hoàn thiện nhưng Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn vẫn đề xuất làm thêm 2 bãi đổ thải với tổng kinh phí hơn 8,5 tỉ đồng, gồm: Bãi đổ thải tại Km77+300m và Bãi đổ thải tại Km82+100m mà theo Sở GTVT Bắc Kạn các khu đất dự kiến làm bãi thải này là những khe nước tụ thủy có diện tích lưu vực lớn và ruộng lúa của nhân dân nên có nguy cơ ảnh hưởng đến hạ lưu khi đổ đất thải vào khu vực này…
Trên cơ sở tham mưu của Sở GTVT Bắc Kạn, ngày 29/11/2018, ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký văn bản số 6792, bác đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn; Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư rà soát các bãi đổ thải và tổ chức thực hiện các trình tự thủ tục liên quan theo quy định.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản bác đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn. |
Dự án thiết kế 5 bãi đổ thải dọc tuyến, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục thu hồi đất để làm. Do vậy, các nhà thầu phải tự thỏa thuận với nhân dân đổ đất, đá thải ở nhiều vị trí khác nhau.
Việc đổ thải diễn ra tràn lan, tự phát khiến nhân dân bức xúc, liên tục phản ánh kiến nghị. UBND tỉnh, UBND huyện Chợ Đồn nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc nhưng không hiệu quả.
Cụ thể, ngày 15/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký Văn bản số 2514/UBND-KTTCKT gửi Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND huyện Chợ Đồn, “Yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh: Chấm dứt ngay hành vi vi phạm đổ đất, đá thải không đúng quy định; nếu phát hiện hành vi vi phạm đổ đất, đá thải ảnh hưởng đến môi trường và ruộng vườn của dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”;đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND huyện Chợ Đồn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và lĩnh vực quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai dự án, đặc biệt là quá trình đổ đất, đá thải; kịp thời xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định.
Ông Nguyễn Công Vinh, thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch cho biết, gia đình có 1.080 m2, trong đó, chủ đầu tư thu hồi, đền bù 850 m2 làm vị trí đổ thải. Tuy nhiên, quá trình đổ thải, Công ty CP xây dựng Thăng Long nhà thầu gói thầu số 20 đã đổ tràn sang cả diện tích còn lại dù rằng cọc mốc, chỉ giới đã được cắm rõ ràng. Chưa kể, công ty còn san, gạt đất làm thay đổi dòng chảy của con suối, nguy cơ ảnh hưởng tới diện tích 5.000 m2 ruộng của gia đình ông phía bên kia suối.
Quan sát trên thực địa dễ dàng nhận thấu hầu hết những vị trí mà nhà thầu tự thỏa thuận đổ thải tại thôn Bó Pja đều sát mép suối hoặc khe. Với phần chân là mép suối, mùa lũ sắp tới nguy cơ sạt lở gần như chắc chắn.
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn Hoàng Văn Việt cho biết, tất cả những vị trí đất ruộng đã bị đổ thải vào đều không trong quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, nhiều vị trí đổ thải ra sát bờ suối gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, kiến nghị, có văn bản đề nghị nhà thầu thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, nhưng công ty vẫn không chấp hành đầy đủ.
Nhiều người dân cho rằng: Một lượng đất thải không nhỏ do nhà thầu đổ bừa bãi xuống khe núi, thậm chí là phần ruộng ít ỏi của nông dân miền núi, ven suối Nam Cường từ phía Bắc huyện Chợ Đồn đã “góp phần” làm đầy thêm cho hồ Ba Bể.
Phải xử lý nghiêm các xe tải đổ đất thải |
Đặc biệt, theo các chuyên gia ngành xây dựng, việc nhà thầu thi công đạt khoảng 70% khối lượng một công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh có giá trị hơn 800 tỉ đồng, chiều dài con đường đến 40km, với nhiều nghìn m3 đất đá thải nhưng vẫn chưa có bãi đổ thải nào được hoàn thiện, nhà thầu đổ thải bừa bãi dẫn đến việc không thể xác định được chính xác khối lượng, cự ly vận chuyển… để thanh quyết toán công trình. Sự "nhập nhằng" này có thể dẫn đến việc “tự bốc, tự ù” chia chác lợi nhuận từ việc quyết toán khống khối lượng cũng như cự ly đổ thải…
Có thể nói, với những bất cập mà báo chí và dư luận đã và đang chỉ ra tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 254 ở tỉnh Bắc Kạn, rất cần được chủ đầu tư tiếp thu, khắc phục. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, những hoạt động vi phạm pháp luật, có khả năng gây thất thoát lớn về tiền bạc như vậy vẫn chỉ được “ngăn ngừa” bằng những chỉ đạo chung chung của tỉnh Bắc Kạn và các ngành chức năng(!?)
Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin