Xin đừng theo kiểu “chiến dịch”
Trong mắt người già 27/02/2023 11:02
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong toàn địa bàn; phát hiện, xử lí 100% hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Thông tin này khiến người dân Thủ đô phấn khởi vì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đã từ lâu gây nhức nhối và qua rất nhiều lần xử lí nhưng vẫn như “ném đá ao bèo”.
Đã có thời điểm Hà Nội “đường thông, hè thoáng” khi chính quyền và các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lí và nhất là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội. Lúc bấy giờ ai cũng ước ao nếu trong điều kiện bình thường mà vỉa hè, lòng đường được thế này thì hạnh phúc quá. Thế nhưng khi hết chiến dịch, hết dịch bệnh thì vỉa hè, lòng đường lại bị lấn chiếm như cũ.
Nhớ lại chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, TP Hồ Chí Minh - một người rất quyết tâm trong việc giải tỏa vỉa hè, lòng đường và đã tuyên bố, sẽ từ chức nếu không làm được việc này. Dư luận xã hội từng đánh giá rất cao và hi vọng ông Hải sẽ thực hiện được lời hứa. Tuy nhiên, kết cục thì ông Hải bị điều chuyển công tác và phải từ chức để trở thành một người lái xe làm việc từ thiện.
Như vậy, có thể thấy việc giải tỏa vỉa hè, lòng đường ở các đô thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không đơn giản, bởi nhiều nguyên nhân.
Trước hết là khi nền kinh tế thị trường mở ra, Nhà nước có chủ trương, chính sách thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh cá thể, một bộ phận người dân “tự cứu lấy mình” coi vỉa hè là nơi mưu sinh. Lợi nhuận trong buôn bán ở đây không hề nhỏ, thậm chí còn là nguồn sống chính của nhiều gia đình, nên khó từ bỏ.
Thứ hai, chính quyền và các lực lượng chức năng lúng túng, không có biện pháp kiên quyết, kiên trì, hiệu quả trong xử lí tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Việc xử lí chỉ diễn ra theo chiến dịch, “đầu voi, đuôi chuột”, rầm rộ được ít ngày rồi lại thôi, dẫn đến tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”, đâu lại đóng đấy.
Thứ ba, không loại trừ trường hợp có sự “bật đèn xanh” của chính quyền sở tại dưới hình thức “tạo sinh kế cho người dân”, nhưng thực chất là “bán vỉa hè”, thu tiền cho chính quyền, cơ quan, đoàn thể. Chưa kể có thể còn có cả lực lượng “bảo kê” cho việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Vì vậy, để chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các cấp chính quyền cần có giải pháp đồng bộ, xử lí tận gốc các nguyên nhân trên. Nếu không, kết quả sẽ lại như các lần ra quân trước và những người như ông Đoàn Ngọc Hải sẽ không còn đủ niềm tin và nhiệt huyết để thực hiện nhiệm vụ này.