Xây dựng gia đình là xây nền móng cho xã hội
Nghiên cứu - Trao đổi 17/01/2025 15:33
Chúng ta đều biết, trong mọi thời đại, gia đình có vai trò rất quan trọng đối với xã hội, gia đình hạnh phúc thì đất nước phồn vinh. Do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập quốc tế, nên nền tảng gia đình Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ nếu như chúng ta không biết giữ gìn và vun đắp.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, gia đình luôn là nhân tố đầu tiên trong việc xã hội hóa và giáo dục thế hệ trẻ. Xã hội hóa con người chính là biến thực thể tự nhiên thành thực thể xã hội, làm cho con người lĩnh hội được kinh nghiệm xã hội - lịch sử, có thái độ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình nhằm xây dựng những tế bào lành mạnh cho xã hội, một nền tảng vững vàng cho đất nước. Vì gia đình có vai trò rất quan trọng đối với xã hội nên công tác gia đình hiện nay vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên việc quản lí Nhà nước trên lĩnh vực gia đình hiện nay rất khó khăn, có nhiều việc phải làm, cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài.
Hiện công tác gia đình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo nên mối quan tâm hơn của toàn xã hội về công tác gia đình. Nhiều chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, nhiều dự án của Nhà nước và các ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Công tác gia đình ngày càng được các ban, ngành tỉnh, huyện, cơ sở quan tâm chỉ đạo và vận động Nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có nền tảng khá vững chắc từ phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Do đó chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, ý thức tự lực tự cường, thực hiện pháp luật, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được đại bộ phận Nhân dân tự giác thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều gia đình chạy theo lợi ích vật chất, xem nhẹ đạo lí truyền thống gia đình, làm rạn vỡ, suy yếu gia đình.
Trong công cuộc đổi mới, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, gia đình là điểm xuất phát như Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) của Đảng đã chỉ rõ: Cần “giữ gìn và phát huy những đạo lí tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hóa”. Trong đó, mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với một trong những tiêu chí cơ bản là thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để công tác gia đình ngày càng phát triển bền vững, Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chuẩn ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Để gia đình ngày càng phát triển bền vững, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, Nhà nước ta đã tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình; bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp cho công tác gia đình. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình. Tích cực đẩy mạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình và tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Tích cực xây dựng gia đình văn hóa; biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu vượt khó, làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Công tác gia đình hiện nay không chỉ đơn thuần vận động gia đình có trách nhiệm với xã hội, mà còn kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, của toàn xã hội vì sự phát triển của mỗi gia đình. Bên cạnh sự quan tâm của xã hội, thì trách nhiệm của mỗi gia đình vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, mỗi gia đình cần có ý thức tự lực vươn lên, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn đạo đức và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để gia đình thật sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội.