Doanh nghiệp FDI được "ưu ái" cấp phép xây dựng hơn so với doanh nghiệp dân doanh
Kinh tế 27/11/2020 16:41
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh do VCCI thực hiện. Trong đó, chỉ số cấp phép xây dựng được xếp hạng cao nhất trong bộ tiêu chí PCI năm 2019. Điều này phần nào phản ánh về mức độ quan tâm, đầu tư đối với lĩnh vực xây dựng của các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp” do Bộ Xây dựng phối hợp với VCCI thực hiện lại cho thấy trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực này, doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại.
Doanh nghiệp FDI được địa phương "trải thảm đỏ"
Cụ thể, trong báo cáo cho thấy, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát.
Chênh lệch này đáng kể ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng”, “thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”, và “kết nối cấp điện.”
Điều này có thể phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số địa phương sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài với sự chuẩn bị sẵn về mặt bằng kinh doanh (ví dụ như các khu công nghiệp với hạ tầng đường xá, điện, nước, viễn thông hoàn thiện) đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký đầu tư.
Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại rõ ràng nhất. Ở 12/13 thủ tục, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp ở các quy mô khác, đặc biệt ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”, “kết nối cấp điện”, “đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng”.
Khoảng 23% doanh nghiệp không đồng ý với nhận định “thời gian giải quyết hồ sơ đúng với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.” Tình trạng này không phải là mới và không chỉ xảy ra đối với lĩnh vực xây dựng. Cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn chi phí thời gian cho doanh nghiệp vẫn là mục tiêu xuyên suốt trong các văn bản chính sách nhiều năm gần đây và được các doanh nghiệp chờ đợi.
Doanh nghiệp dân doanh còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục khác có liên quan. Ảnh minh họa. |
Điễm nghẽn trong việc tiếp cận thông tin và hướng dẫn thủ tục
Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, có khoảng 25% doanh nghiệp chưa tiếp cận được với những hướng dẫn thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục khác có liên quan. Khảo sát chia các doanh nghiệp thành các nhóm nhỏ hơn lần lượt theo khu vực kinh tế, ngành nghề kinh doanh chính, số năm hoạt động, quy mô vốn, quy mô lao động và khu vực địa lý của doanh nghiệp. Khoảng 3/4 tổng số doanh nghiệp nhận được các hướng dẫn cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính trong khi 1/4 doanh nghiệp còn lại thường bị thiếu thông tin.
Kết quả phân tích cho thấy các doanh nghiệp cần hỗ trợ về thông tin nhất là các doanh nghiệp có đặc điểm điển hình sau: doanh nghiệp dân doanh, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng ít lao động, đang hoạt động ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ hoặc Tây Nguyên.
Việc thiếu thông tin để thực hiện thủ tục phần lớn vẫn nằm ở các nhóm thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị,...
Báo cáo cũng chỉ ra rằng thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng là nguyên nhân chính gây ra trở ngại. Có khoảng 52,8% doanh nghiệp cho biết cán bộ giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 52,1% doanh nghiệp cho rằng sự phức tạp của quy định pháp luật cũng là nguyên nhân gây phiền hà. Trong khi đó, 28,3% doanh nghiệp cho rằng cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng góp phần gây ra những khó khăn.
Nếu phân chia doanh nghiệp theo khu vực kinh tế, sự khác biệt chủ yếu ở nhận định về cán bộ giải quyết hồ sơ. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI coi đây là lý do gây ra trở ngại thấp hơn so với doanh nghiệp dân doanh. Điều này cho thấy hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp dân doanh thường gặp nhiều vấn đề hơn khi gửi đến cơ quan quản lý. Trong khi đó, ở khâu tiếp nhận hồ sơ, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá đây là điểm nghẽn cao hơn nhưng với chênh lệch không đáng kể so với doanh nghiệp dân doanh.
Còn nhiều dư địa để cải cách thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng Sáng 26/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng cùng Quỹ Friedrich Naumann Foundation ... |