Nỗi lo từ chuyện xăng dầu
Xã hội 06/06/2023 09:19
Tưởng vậy thôi, thực ra nó vẫn âm ỉ. Người dân chẳng biết “Quy chế kinh doanh xăng dầu” sẽ sửa đổi thế nào, song ấm ức mỗi khi mua xăng bị buộc phải gửi tiền cho cây xăng gọi là “Quỹ bình ổn giá”; xăng dầu là loại hàng ai nấy đều dùng nhưng vẫn áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn “gửi” doanh nghiệp… Chiều 18/5/2023, nhiều tờ báo đưa tin về cuộc họp báo thường kì của Bộ Công Thương rằng: Mỗi lần Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc thì Bộ “mất ăn mất ngủ”. Có thể ý tứ của người phát ngôn không hẳn vậy, song với Nghi Sơn lâu nay khiến Bộ phân tâm là có thật.
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cung ứng tới 35-40% lượng xăng dầu dùng hằng năm của cả nước, là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và Nhà đầu tư Nhật Bản, phía Việt Nam chỉ góp 25,1% vốn nên Bộ chỉ phải chèo mà không được lái. Sự “bó tay” này chỉ lộ ra khi khủng hoảng xăng dầu hồi năm trước. Chưa biết Nghi Sơn cống hiến thế nào, nhưng để duy trì Nhà máy, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu (NK) hàng triệu tấn dầu thô, làm đảo ngược tình thế từ một nước xuất siêu dầu thô quay đầu nhập siêu. Năm 2022, xuất khẩu (XK) 2,7 triệu tấn dầu thô thì NK 10,6 triệu tấn, tốn thêm 5,8 tỉ USD, số tiền ấy thà để NK xăng dầu tinh cho gọn.
Gần đây lại thêm chuyện Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tại Quảng Ngãi. Cách đây vài thập kỉ, khi Nhà nước hạ quyết tâm đặt Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã gửi gắm bao kì vọng đổi đời cho Quảng Ngãi. Tuy vậy, thực hư thế nào không biết, chỉ biết tỉnh Quảng Ngãi phải thân chinh đề nghị Bộ Công Thương cho BSR được bán dầu thô trong trường hợp cấp bách.
Từ giữa năm 2018, khi Nghi Sơn đi vào sản xuất, lượng cung xăng dầu tăng, cung - cầu xăng dầu nội địa dần được cân bằng, khiến thị phần tiêu thụ sản phẩm của BSR sút hẳn, buộc phải tính đến XK. Song, việc này không dễ bởi hàng của BSR khi XK vẫn không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, phần thuế giá trị gia tăng tăng không được khấu trừ này đang được tính vào chi phí sản xuất-kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của BSR ở trong nước và khi XK. Vì vậy, Quảng Ngãi đề nghị loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ dầu thô ra khỏi danh sách không chịu thuế giá trị gia tăng khi XK (bao gồm cả XK trực tiếp hoặc qua đầu mối). Chuyện xin giảm thuế hoàn thuế, khấu trừ thuế trong khi nguồn thu đang hoàn cảnh, còn phải cân nhắc.
Ngoài ra, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, quy định: “Chỉ có thương nhân có giấy phép XK, NK xăng dầu được tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu”. Hiện tại, BSR không có giấy phép này nên không được làm các dịch vụ đó. Do vậy, để BSR được bán lại các lô dầu thô đã NK nhưng hàng chưa về, trước mắt là chưa thể.
Khi hút được dầu thô từ những mỏ được đoán định trữ lượng khổng lồ, cứ tưởng là lập nhà máy lọc hóa dầu sẽ ung dung về xăng dầu. Nghi Sơn và Dung Quất ra đời trong hi vọng đó, song đổi lại là thất vọng với cả hai.
Chuyện xăng dầu chưa yên đã đành, nhưng qua đó dồn lên nỗi lo cực lớn. Chỉ với một Nhà máy FDI đã thế, vậy khi cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp cả nước, hơn 70% tổng kim ngạch XK, 65% tổng kim ngạch NK cũng của cả nước; Cán cân thương mại nước nhà từ chỗ thường xuyên nhập siêu sang liên tục xuất siêu, thì tình hình sẽ ra sao?
Ngộ nhỡ có ngày nào đó không được chủ nhà chiều chuộng như ý, các FDI ngúng nguẩy, bỏ của chạy lấy người sẽ gây ra hệ quả không nhỏ. Phải trù tính đến tình huống này bởi ta đang “lót ổ dụ đại bàng” FDI đến đẻ trứng vàng.