Việt Nam khẳng định vị thế đối tác tin cậy của Liên Hợp Quốc
Quốc tế 21/09/2022 10:41
Đề cập đóng góp của Việt Nam trong thực hiện vai trò trung tâm của LHQ về quản trị toàn cầu, xử lí các thách thức chung của cộng đồng quốc tế, Tổng Thư kí (TTK) LHQ Antonio Guterres khẳng định "Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của LHQ".
Việt Nam đóng góp vào các sứ mệnh của LHQ thông qua những sáng kiến, đề xuất trong 2 lần đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và vai trò thành viên các tổ chức thuộc LHQ. Trong nhiệm kì Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh; cùng với Đức khởi xướng và trở thành nước sáng lập Nhóm Bạn bè của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ra mắt cuối tháng 6/2021.
Hiện Việt Nam đang là thành viên của các cơ quan LHQ: Ủy ban Luật pháp quốc tế; Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kì 2021-2023; Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO); Hội đồng khai thác Bưu chính thế giới (POC) nhiệm kì 2022-2025. Từ giữa tháng 9 này, Việt Nam đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 và đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm.
Theo Phó TTK LHQ Amina Mohammed, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với công việc chung của LHQ. Bà cũng đề cao việc Việt Nam tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ, triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và nỗ lực thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng.
Việt Nam còn thể hiện vai trò một thành viên trách nhiệm tại Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kì 2014-2016. Trong 3 năm thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến được quốc tế ủng hộ, trong đó có thúc đẩy quyền của các nhóm yếu thế, chống biến đổi khí hậu, được hơn 100 quốc gia đồng tình.
Tại cuộc gặp Trưởng đoàn Việt Nam dự Khóa họp thường kì lần thứ 50 của HĐNQ LHQ ở Geneva tháng 7 vừa qua, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đánh giá cao thành tựu kinh tế, xã hội, tạo nền tảng nâng cao đời sống, bảo đảm các quyền cho người dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong đại dịch và phục hồi sau dịch. Bà nhất trí với các ưu tiên của Việt Nam về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trước tác động biến đổi khí hậu.
Một dấu ấn quan trọng nữa của Việt Nam là tham gia tích cực trong lực lượng GGHB LHQ kể từ năm 2014. Sau hơn 8 năm chính thức tham gia, Việt Nam đã triển khai hơn 500 cán bộ, chiến sĩ tới các phái bộ GGHB và trụ sở LHQ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thành công 3 khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng theo chương trình Đối tác 3 bên giữa Việt Nam - LHQ - Nhật Bản, được lãnh đạo LHQ đánh giá rất cao. Không chỉ cử quân đội mà hiện Bộ Công an Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cử sĩ quan tham gia lực lượng này.
Trong Điện mừng gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân 77 năm Quốc khánh Việt Nam, TTK LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh LHQ đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung trong xử lí các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xóa đói nghèo, bất bình đẳng, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững.
TTK Guterres tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng LHQ chung tay vượt qua các thách thức nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng và hòa bình hơn. Sự tín nhiệm của các nước cùng thực tế phát triển của Việt Nam sẽ là cơ sở và động lực để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế đối tác quan trọng, đáng tin cậy của LHQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong chặng đường tiếp theo.