“Viên ngọc quý” của châu Âu đang bị đe dọa
Quốc tế 10/10/2023 10:07
Một trong những dự án hàng đầu của châu Âu đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Khu vực miễn thị thực Schengen đang bị ảnh hưởng liên tục khi ngày càng nhiều quốc gia duy trì hoặc tái áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới nội bộ, với lí do lo ngại về di cư hoặc khủng bố.
Năm 1995, châu Âu thành lập khu vực không biên giới - Schengen. Ủy ban châu Âu hiện tại gọi nó là “viên ngọc quý của sự hội nhập châu Âu” và “trái tim không ngừng đập của châu Âu”.
Du lịch miễn thị thực khắp châu Âu đã trở thành tiêu chuẩn trong 20 năm qua. Nhưng điều đó càng gặp thách thức khi nhiều quốc gia áp dụng lại các biện pháp kiểm tra biên giới, hầu hết đều bắt đầu từ cuộc khủng hoảng di cư lớn vào năm 2015.
Việc tăng cường kiểm tra biên giới càng làm xói mòn một trong những dự án hàng đầu hữu hình nhất của EU |
Ngày nay đi tàu từ Áo sang Đức có cảm giác như Schengen chưa từng tồn tại. Khi tàu qua biên giới, cảnh sát sẽ xuất hiện kiểm tra, gây ra sự chậm trễ trên mỗi hành trình và chi phí kinh tế khi việc vận chuyển hàng hóa bị chậm lại. Nhưng điều còn tai hại hơn là mỗi cuộc kiểm tra biên giới càng làm xói mòn một trong những dự án hàng đầu hữu hình nhất của EU. Ngày nay, một du khách qua châu Âu có thể bị dừng lại hơn chục lần do một nhóm quốc gia từ chối duy trì quy định của khu vực Schengen.
Đến nay, Pháp đã lắp đặt các trạm kiểm soát ở biên giới của mình - dưới danh nghĩa chống khủng bố. Trong khi đó, Đức đang kiểm tra biên giới với Áo. Cộng hòa Séc tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại biên giới với Slovakia. Quyết định của Áo áp dụng các biện pháp kiểm soát với Slovakia được đưa ra ngay sau quyết định của Cộng hòa Séc.
Và tiếp đó là các nước Bắc Âu. Na Uy, không phải là thành viên EU nhưng là một phần của khu vực Schengen, tiến hành kiểm tra tại các thành phố cảng. Thụy Điển kiểm tra tất cả các biên giới của mình nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Trước cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU mới diễn ra, các tuyên bố chính trị nhằm thực hiện kiểm tra biên giới bổ sung trong khối Schengen đã "mọc lên như nấm".
Chứng kiến những hình ảnh gần đây về hàng nghìn người di cư chủ yếu là thanh niên đến đảo Lampedusa của Italy, Áo nhanh chóng tuyên bố họ sẽ tiến hành kiểm tra tại biên giới của mình với Italy. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser bị ảnh hưởng bởi chiến dịch bầu cử đang diễn ra ở bang Hesse, nhanh chóng làm theo bằng cách công bố một số hình thức kiểm tra ở biên giới Ba Lan và Cộng hòa Séc. Ba Lan cũng ngay lập tức phản ứng, với việc đảng PiS cầm quyền tuyên bố kiểm tra phía Ba Lan ở biên giới với Đức và biên giới Slovakia. Slovakia cho biết sẽ tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Hungary từ 5/10.
Những động thái đó nhận được rất ít sự ủng hộ từ các chuyên gia Schengen. Bởi nó đi ngược lại ý tưởng về một khu vực Schengen và đi ngược lại các hiệp ước. Elisabeth Christen, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế Áo nhấn mạnh tác động kinh tế của việc kiểm soát biên giới: “Đối với mỗi cửa khẩu biên giới trong khu vực Schengen, lưu lượng hàng hóa song phương giảm 2,7%”. Các đại diện doanh nghiệp Đức cũng đưa ra chỉ trích tương tự với quyết định tái áp dụng kiểm tra biên giới vì lo ngại tác động kinh tế đối với khu vực biên giới và sự gián đoạn đối với thương mại.
Chuyên gia về Schengen Carrera gọi tình trạng này là một “cuộc khủng hoảng về luật pháp”, trong khi nhà nghiên cứu Züllig phàn nàn: “Ủy ban châu Âu gần như không làm gì cả, mặc dù với tư cách là cơ quan bảo vệ các hiệp ước, họ thực sự nên bảo vệ khu vực Schengen”.
Những người ủng hộ Schengen hi vọng rằng, sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 6 tới, một Ủy ban châu Âu mới - với điều kiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nghị viện - có thể có đủ khả năng để giải quyết vấn đề Schengen…