Về khiếu nại của bà Trần Thị Tiếp, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: Quyết định giải quyết có nhiều dấu hiệu trái luật!
Đơn thư bạn đọc 13/08/2020 14:28
Căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 25,5m2 , xây dựng năm 2009, trên đất bà Tiếp sang nhượng quyền sử dụng của ông Trần Mạnh Hảo |
“Giấy chấp thuận” của ông Hảo cho bà Tiếp sử dụng đất cùng chung thửa đất số 62 của ông Hảo, được UBND xã Phước Thiện chứng nhận |
Nội dung sự việc
Vào năm 2009, bà Tiếp có nhận sang nhượng quyền sử dụng phần đất của ông Trần Mạnh Hảo, mảnh đất có chiều ngang 5m, chiều dài 20m, tổng diện tích 100m2, cắt thửa 62 tờ bản đồ số 36 (cũ) trong đó có tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp 4, diện tích khoảng 25,5m2 được xây dựng năm 2009 (có “Giấy chấp thuận” của ông Hảo cho bà Tiếp sử dụng đất cùng chung thửa đất số 62 của ông Hảo, được UBND xã Phước Thiện chứng nhận); toàn bộ nhà ở và đất nằm trong quy hoạch Dự án khu tái định cư Phước Thiền thuộc xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch.
Căn cứ Quyết định số 4458/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND huyện Nhơn Trạch phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ về nhà cửa, vật kiến trúc cho bà Tiếp số tiền 43.882.000 đồng, nhưng không được cấp tái định cư.
Trong khi đó UBND xã Phước Thiền có ban hành Thông báo số 62/TB-UBND ngày 15/11/2015 về kết quả xét tái định cư cấp xã, dự án tái định cư xã phước Thiền, có nội dung: UBND xã Phước Thiền thông báo trường hợp của bà Trần Thị Tiếp, ngụ tại ấp Bến Cam, xã Phước Thiền đã được Hội đồng cấp xã thống nhất xét: “Giao một phần tái định cư; có thu tiền sử dụng đất, tiền hạ tầng” theo quy định tại khoản 5, Điều 4, Quyết định số 54/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Qua nhiều năm khiếu nại không được UBND huyện Nhơn Trạch giải quyết, ngày 19/11/2018, bà Tiếp tiếp tục làm đơn khiếu nại, đến ngày 26/11/2019, UBND huyện Nhơn Trạch có Văn bản số 9249/UBND-TD xử lý đơn của bà Trần Thị Tiếp, ngụ tại xã Phước Thiền, nêu ra lý do không cấp đất tái định cư vì: “Bà Trần Thị Tiếp có đăng ký tạm trú tại xã Phước Thiền từ tháng 11/2009, nhưng thực tế không trực tiếp ở trên căn nhà bị thu hồi để thực hiện khu tái định cư Phước Thiền”.
Tháng 3/2020, bà Tiếp khởi kiện (Thông báo thụ lý số 67/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai) yêu cầu Tòa án tuyên xem xét việc UBND huyện Nhơn Trạch không xét cấp đất tái định cư cho bà Tiếp; Văn bản số 9249/UBND-TD ngày 26/11/2019 của UBND huyện Nhơn Trạch có dấu hiệu trái pháp luật về hình thức lẫn nội dung. Quá thời hạn giải quyết khiếu nại gần 2 năm không giải quyết, khi bà Tiếp khởi kiện, thì UBND huyện mới ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà không thông báo thụ lý đơn, giải quyết theo trình tự thủ tục theo luật định, không tiếp xúc và làm việc với người khiếu nại. Nay bà Tiếp tiếp tục làm đơn khởi kiện (bổ sung) yêu cầu Tòa án tuyên hủy Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND huyện Nhơn Trạch.
Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch-Trang 1 |
Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch-Trang 2 |
Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch |
Nhiều dấu hiệu trái luật!
Theo Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Sau đây gọi là Quyết định số 2344) về việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Tiếp, ngụ tại tổ 18 ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (lần đầu): Bà Trần Thị Tiếp, có đơn đề ngày 3/12/2019, khiếu nại hành vi hành chính của UBND huyện tại Văn bản số 9249/UBND-TD ngày 26/11/2019 không giải quyết cấp đất tái định cư cho bà. Trong đó, Văn bản số 9249/UBND-TD cho rằng, bà không có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Phước Thiền, nhà ở của bà trên đất ông Hảo, bà không ở trực tiếp trên căn nhà bị thu hồi nên không thuộc trường hợp phải di dời chỗ ở và bà không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại xã Phước Thiền tại thời điểm thu hồi đất là chưa đúng. Từ đó, bà yêu cầu cấp cho bà 01 suất tái định cư. Nội dung của Quyết định số 2344 thể hiện nhiều điều mâu thuẫn.
Một, Quyết định số 2344 cho rằng UBND huyện trả lời cho bà không có đất và chỉ có nhà ở trên đất của ông Trần Mạnh Hảo: “Phần đất bà Tiếp cho rằng đang quản lý, sử dụng có diện tích 118m2, nằm trong tổng diện tích 1.267m2 thuộc thửa 62, tò 37, xã Phước Thiền thuộc quyền sử dụng của ông Trần Mạnh Hảo. Trên đất, bà Tiếp có xây dựng nhà ở và cho thuê cho đến thời điểm thu hồi đất. Qua kiểm tra, việc chuyển nhượng này chưa được đăng ký kê khai và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định pháp luật nên vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Trần Mạnh Hảo (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 324344 do UBND huyện cấp ngày 22/9/2009, loại đất trồng cây hàng năm khác) và bị thu hồi theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Phước Thiền. Đối với phần tài sản trên đất, ông Hảo, bà Tiếp đều xác định căn nhà này do bà Tiếp xây dựng (nhà cấp 4 hạng 1, diện tích 25,5m2), từ đó, phần nhà và một số cây trồng trên diện tích này được quy chủ bồi thường trực tiếp cho bà Tiếp. Như vậy, việc UBND huyện trả lời bà Tiếp không có đất bị thu hồi và có nhà ở trên đất ông Hảo là đúng.”
Tuy nhiên, đơn bà Tiếp có nội dung khiếu nại hành vi của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định: Người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản, không được dùng một hình thức văn bản nào khác”. Vì Văn bản số 9249/UBND-TD ngày 26/11/2019, không phải là quyết định giải quyết khiếu nại! Điều này là bỏ sót nội dung khiếu nại!
Và Quyết định số 2344 trả lời bà Tiếp không có đất bị thu hồi và có nhà ở trên đất ông Hảo là đúng. Tuy nhiên, Quyết định số 2344 không viện dẫn ra được có điều khoản nào của Luật Đất đai quy định về bồi thường thu hồi đất đối với trường hợp như của bà Tiếp (Các căn cứ nêu trong Quyết định số 2344, không có căn cứ nào về Luật Đất đai ?!).
Mặt khác, thực tế 118m2 đất, nằm trong tổng diện tích 1.267m2 của ông Trần Mạnh Hảo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 324344 ngày 22/9/2009; hợp hồng mua bán nhà đất này viết tay này chưa được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây: 1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.”
Thực tế, bà Tiếp đã thanh toán toàn bộ số tiền mua bán nhà đất trên, tức là đã thực hiện hết nghĩa vụ trong hợp đồng, do vậy Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch mua bán này. Có nghĩa là bà Tiếp cũng đang có quyền về tài sản đối với 118m2 đất trên, tại sao nói “ bà Tiếp không có đất bị thu hồi”?
Hai, việc Quyết định số 2344 trả lời: “Theo biên bản xác minh ngày 12/3/2020 của Thanh tra huyện, UBND xã, Công an xã Phước Thiền đã xác nhận ngày 20/11/2009, bà Tiếp có đăng ký tạm trú tại thửa đất này nhưng không ở trực tiếp tại căn nhà trên phần đất ông Hảo bị thu hồi. Khi nhà nước thu hồi đất của ông Hảo, tài sản trên đất được quy chủ bồi thường cho bà Tiếp với tổng số tiền là 46.138.000 đồng, trong đó, chỉ hỗ trợ 70% giá bồi thường nhà ở. Như vậy, mặc dù được hỗ trợ di chuyển do phải giải tỏa căn nhà nhưng thực tế bà Tiếp không ở tại căn nhà này, không có hộ khẩu tại xã Phước Thiền tại thời điểm thu hồi đất, do đó, việc UBND huyện trả lời cho bà nội dung trên là đúng.”
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch biết rõ Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) xác định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Và quyền tài sản là quyền yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ có giá trị bằng một khoản tiền nhất định như trả nợ, bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu người khác chuyển giao giá trị của một vật. Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu nguời khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Quyền sở hữu tài sản cũng là quyền tài sản.
Đối chiếu các quy định trên, trường hợp nhà ở và tài sản khác của bà Tiếp, thì bà Tiếp được quyền yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình; có nghĩa là được nhận bồi thường! Nhưng quyết định 2344 cho rằng bà Tiếp được “ quy chủ bồi thường cho bà Tiếp với tổng số tiền là 46.138.000 đồng”. Vậy căn cứ quy định nào để quy chủ đối với tài sản này?
Ba, Quyết định số 2344 trả lời: Trường hợp của bà Trần Thị Tiếp không có đất và đất ở bị thu hồi, căn nhà của bà xây dựng trên đất nông nghiệp sau năm 2009 do mua đất của ông Trần Mạnh Hảo bằng giấy tay, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không được bồi thường (chỉ được hỗ trợ) về nhà ở và không có hộ khẩu tại xã Phước Thiền nên không có cơ sở pháp lý để áp dụng cấp đất tái định cư cho trường họp của bà. Như vậy, việc UBND huyện trả lời bà Tiếp không đủ điều kiện cấp tái định cư là đúng.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch không viện dẫn điều luật nào quy định có nhà ở mà không có hộ khẩu, thì không được bồi thường!
Trao đổi với phóng viên, bà Tiếp bức xúc: “Qua xem xét những quy định của pháp luật thì tôi nhận thấy (hơn một năm UBND huyện mới xử lý đơn là trái pháp luật) và lý do UBND huyện Nhơn Trạch đưa ra để không cấp đất tái định cư cho tôi là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Bởi lẽ pháp luật không cấm công dân đi làm ăn xa nhà và cũng không buộc mọi người phải ở tại nhà của mình nên việc tôi phải đi làm ăn xa ở những địa phương khác là hợp pháp. Do đó việc không cấp đất tái định cư cho tôi với lý do trên là trái pháp luật, không phù hợp với quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ “quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp của gia đình tôi Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích trên, đủ điều kiện được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư.”
Căn cứ Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 quy định về Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở: “1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau: a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền; b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở". Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bà Tiếp bị thu hồi hết nhà, đất ở và bà Tiếp không có nhà ở nào khác tại địa phương và cả ở địa phương khác thì bà Tiếp thuộc trường hợp được cấp đất tái định cư. Tuy nhiên UBND huyện Nhơn Trạch lại không cấp đất tái định cư cho bà Tiếp là thể hiện làm trái pháp luật.
Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm: “Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.”
Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch vi phạm quy định Điều 28. Luật Khiếu nại năm 2011 Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.” Bởi lẽ bà Tiếp có đơn khiếu nại đề ngày 3/12/2019, nhưng Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/6/2020, là quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại trên đây.
Bà Tiếp cho biết thêm: “Các căn cứ trên là cơ sở để chúng tôi khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy Văn bản số 9249/UBND-TD ngày 26/11/2019 của UBND huyện Nhơn Trạch, do trái pháp luật (cả hình thức lẫn nội dung). Vì đây không phải là quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định: Người giải quyết khiếu nại phải ra quyết khiếu nại bằng bằng văn bản, không được dùng một hình thức văn bản nào khác”. Và việc ra văn bản này thể hiện vi phạm quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm” tại khoản 3, Điều 6 Luật Khiếu nại; và cho rằng tôi “ không trực tiếp ở tại phần nhà, đất bị giải tỏa”, cũng là thể hiện trái pháp luật. Bởi lẽ pháp luật không cấm công dân đi làm ăn xa nhà và cũng không buộc mọi người phải ở tại nhà của mình nên việc tôi phải đi làm ăn xa ở những địa phương khác là hợp pháp. Do đó việc không xét cấp đất tái định cư cho tôi với lý do trên là trái pháp luật, không phù hợp với quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ “quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 67/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai |
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 67/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai |
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 60/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai
|
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 60/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai
|
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 70/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai |
Thông báo thụ lí vụ án Hành chính số 70/2020/TLST-HC ngày 27/3/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai |