Ukraine thấp thỏm với cuộc gặp Putin - Zelensky
Quốc tế 10/12/2019 09:13
Trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội tại Washington đang nóng lên, với tâm điểm là những cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine mà phe Dân chủ Mỹ cho là đã có “sự trao đổi đen tối”, thì tại Ukraine, nhà lãnh đạo Zelensky đang tập trung vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền Đông nước này, khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Ông Zelensky tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Normandy (nhóm Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine) tại Paris ngày 9/12. Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên trong 3 năm qua để thảo luận cách thức giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine. Tại đây, ông Zelensky có cuộc gặp lần đầu tiên với Tổng thống Putin.
Ukraine rơi vào thế bất lợi
Giới quan sát cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh này khó có thể mang lại kết quả đột phá, không những vậy ông Zelensky còn gặp nhiều bất lợi khi phải đàm phán với một nhà lãnh đạo Nga cứng rắn và một Tổng thống Pháp đang tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow.
Mỹ, mặc dù không có ghế chính thức trong cuộc đàm phán theo định dạng Normandy nhưng luôn đóng vai trò quan trọng phía sau hậu trường. Tuy vậy, nhiều người lo ngại vai trò này ít nhiều sẽ bị suy giảm bởi việc từ chức của Kurt Volker - đặc phái viên Mỹ về Ukraine. Một số nhà ngoại giao liên quan, trong đó có ông Volker đã phải từ chức hoặc bị sa thải do kết quả của các phiên điều trần luận tội.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Duran |
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5/2019, Tổng thống Zelensky đã cố gắng chứng minh ông luôn giữ lời hứa thúc đẩy trình hòa bình bằng các cam kết trao đổi tù nhân với Nga và đạt một thỏa thuận với phe đối lập tại khu vực miền đông về việc rút binh sĩ cùng khí tài quân sự khỏi các địa điểm then chốt dọc theo chiến tuyến.
Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9 do Viện Dân chủ Quốc gia của Mỹ tiến hành cho thấy, phần lớn người dân Ukraine (52%) xem việc giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine là vấn đề quốc gia quan trọng nhất.
Về phía Nga, Tổng thống Putin đã thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với nhà lãnh đạo mới của Ukraine nhưng một số chuyên gia cho rằng, ông Putin sẽ vẫn dè chừng.
Một số nhân vật tại Ukraine tỏ ra bi quan về cuộc đàm phán Normandy lần này. “Không gì thay đổi được lập trường của Nga, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”, cựu Ngoại trưởng Ukraine Volodymyr Ogrysko cho biết.
Tổng thống Zelensky dù rất thực tế về những gì Hội nghị Thượng đỉnh Normandy có thể đạt được, nhưng trong video đăng tải trên trang cá nhân Facebook, ông vẫn khẳng định chính bản thân cuộc đàm phán đã là chiến thắng của Ukraine. Bước vào Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lần này, ông Zelensky cùng đội ngũ thân cận cố gắng phá vỡ bế tắc lâu dài với Điện Kremlin, còn với Moscow, việc đạt được một thỏa thuận hòa bình đôi khi lại là điều bất lợi.
Thỏa thuận Minsk được kí cách đây 5 năm đã giúp kiềm chế đáng kể cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe đối lập. Song các bên liên tục cáo buộc nhau không thực hiện nghiêm túc những điều khoản nêu trong thỏa thuận.
Ông Putin nắm tất cả các con bài trong tay
Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lần này được coi là cơ hội để Tổng thống Putin đánh giá và tiếp cận ông Zelensky, thách thức quyết tâm của vị Tổng thống từng là diễn viên hài, trên bàn đàm phán. “Không có chỗ cho một giải pháp mà tất cả đều có lợi, một ai đó phải đầu hàng”, chuyên gia phân tích quan hệ đối ngoại của Nga, ông Vladimir Frolov nhận định, đồng thời cho rằng, “Tổng thống Putin đang giữ tất cả các lá bài sắp đưa ra trong cuộc gặp này”.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng có thể sử dụng hội nghị để gây sức ép với Ukraine, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga đối với phe đối lập Ukraine và làm giảm uy tín của Kiev trong mắt các đối tác phương Tây, Tatiana Stanovaya - học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.
Trong khi đó, cuộc điều tra luận tội Tổng thống liên quan đến cáo buộc ông Trump gây sức ép đối với Tổng thống Zelensky để điều tra đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử tại Mỹ cũng đang đặt Ukraine vào trung tâm “cuộc chiến chính trị” ngày càng khốc liệt giữa hai đảng phái ở Washington, làm suy yếu vị thế đàm phán của ông Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh Normandy.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, chính sách và sự hỗ trợ của nước này đối với Ukraine không thay đổi. Mỹ luôn ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 9/12. Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst lo ngại sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ dành cho Ukraine sẽ không còn nữa bởi những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ. Điều đó sẽ khiến Ukraine gặp bất lợi trên bàn đàm phán.