Tượng nữ hoàng băng giá Elsa phiên bản "phù thủy" ở Sa Pa
Nhịp sống văn hóa 21/07/2021 16:20
Đoàn kiểm tra công trình bức tượng Elsa ngày 19.7 Ảnh: VINH QUÂN |
Ba tháng sau ồn ào bởi tượng Nữ thần Tự do xấu xí, sự xuất hiện của Elsa với tạo hình quái dị như “phù thủy” giữa khung cảnh núi rừng thơ mộng ngay lập tức bị cơ quan chức năng địa phương yêu cầu khẩn trương tháo dỡ trước ngày 21/7. Dù vậy, dư luận vẫn không khỏi lo lắng trước “gu” thẩm mỹ đang xuất hiện ở nhiều khu lịch.
Không để tồn tại công trình phá vỡ cảnh quan
Sau Nữ thần Tự do, tượng Elsa, nhân vật hoạt hình quen thuộc của trẻ thơ đã mọc lên giữa núi rừng Sa Pa, nhưng điều đáng nói là tạo hình của bức tượng này khiến nhiều người cười bò. Thẩm mỹ tệ hại với đường nét thô kệch, mắt lác, mặt méo... khiến nhân vật hoạt hình đáng yêu bỗng khiến trẻ em òa khóc.
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa xác nhận, tượng Elsa được xây dựng tại điểm check-in Ansapa. Địa điểm này chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là điểm du lịch, bởi vậy mọi công trình được xây dựng tại đây đều là trái pháp luật. “Thị xã đã giao phường Phan Si Păng và các đơn vị chức năng xử lí, yêu cầu tháo dỡ, nếu chủ cơ sở không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế. Đồng thời, chính quyền thị xã cũng yêu cầu đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất mức xử phạt hành chính, kiên quyết xử lí nghiêm vi phạm”, ông Tân nói. Trao đổi với Văn Hóa, ông Trần Đức Việt, Chủ tịch UBND phường Phan Si Păng thông tin, thực hiện yêu cầu của thị xã Sa Pa tại văn bản số 2311/UBND-TH về việc kiểm tra, xử lí công trình vi phạm, điểm check-in tại phường Phan Si Păng, ngày 19.7, phường đã phối hợp với các cơ quan liên ngành trên địa bàn kiểm tra thực tế và yêu cầu chủ cơ sở Ansapa dừng thi công, tháo dỡ tượng Elsa trước ngày 21.7.
Ông Trần Đức Việt cho biết, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, nêu rõ vi phạm của chủ cơ sở Ansapa. Mô hình nhân vật hoạt hình Elsa là tượng Composite, rộng 3 mét, cao 3 mét, được thi công đặt trên sàn sắt hộp có diện tích 30m2 trên nóc mái nhà cũ. “Đây là bức tượng được chủ cơ sở đặt thi công từ Hà Nội mang lên, thời gian lắp đặt vào dịp cuối tuần nên chính quyền địa phương chưa kịp thời kiểm soát. Nếu sử dụng với mục đích tạo điểm check-in thì rất có vấn đề bởi tạo hình của bức tượng quá kỳ dị, không phù hợp và gây ấn tượng xấu với cảnh quan của Sa Pa...”, ông Việt cho biết. Cũng theo ông Việt, Ansapa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng nhận là điểm du lịch theo quy định. “Việc chủ cơ sở Ansapa hết lần này đến lần khác tự ý dựng lên những bức tượng tạo hình phản cảm, kỳ quặc khiến chúng tôi cảm thấy bức xúc. Sau vụ tượng Nữ thần Tự do, cơ quan chức năng đã xử lí và yêu cầu chủ cơ sở không được phép đón khách check-in tại đây. Lần này chúng tôi kiên quyết xử lí, tránh tình trạng để các chủ cơ sở như Ansapa tiếp tục đưa về các không gian check-in những bức tượng có hình thù kỳ quái như thời gian qua”, ông Việt nói.
Tại buổi làm việc với chính quyền, ông Nguyễn Ngọc Đông, Giám đốc Công ty TNHH Ansapa cam kết dừng thi công lắp đặt theo yêu cầu của cơ quan chức năng cho đến khi được chấp thuận để hoàn thành hạng mục trên. Cam kết này của chủ cơ sở khiến dư luận băn khoăn, nếu hồ sơ công nhận điểm du lịch chính thức của Ansapa được thông qua thì liệu ông chủ có tiếp tục thi công những hạng mục khiến công chúng hoảng hốt như tượng Nữ thần Tự do, nữ thần băng giá Elsa...? Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân cho biết, để khắc phục thực trạng tràn lan những công trình xấu xí tại các điểm du lịch, thị xã đã giao các phường rà soát lại các điểm check-in trên địa bàn xem những địa chỉ này có đủ điều kiện hoạt động hay không.
“Quan điểm của thị xã Sa Pa là không xây dựng tràn lan mà theo quy hoạch phát triển du lịch của địa phương, phù hợp bản sắc và bền vững. Thị xã cũng đang giao cho Phòng Văn hóa xây dựng quy chế quản lí đối với những điểm check-in theo đúng định hướng phát triển du lịch của địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.
Bức tượng bị yêu cầu tháo dỡ trước ngày 21.7 |
Lại môtip tạo “scandal” để hút khách?
Rõ ràng khi chưa được công nhận là điểm du lịch nhưng cái tên Ansapa đã được báo chí, mạng xã hội nhắc đến khá nhiều. Kể cả cái cách được nhắc đến là chỉ trích, cười nhạo thì vẫn đủ để một cái tên còn trong trứng nước, bỗng dưng nổi tiếng thành một điểm check-in khiến không ít du khách tò mò. Xu hướng kiếm tìm những trào lưu dị biệt hiện nay cũng vô tình tạo dòng xoáy, thúc đẩy nhiều điểm đến bất chấp quy định pháp luật để dựng nên những công trình phản cảm.
Tượng Nữ thần Tự do sau khi nhận “gạch đá” tới tấp của dư luận từ hồi tháng 4 vừa qua, đến nay vẫn đang tồn tại nguyên vị trí cũ. Chính quyền thị xã cho hay đã ra quyết định xử lí hành chính và yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục đối với công trình xấu xí này. Thế nhưng trên báo chí, ông chủ Ansapa vẫn chia sẻ rằng nhiều du khách thích thú đến check-in với tượng này. Những ý tưởng nắm bắt thị hiếu, thu hút khách du lịch là điều cần thiết với bất kỳ một điểm đến nào. Thế nhưng với những vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc thù như Sa Pa thì việc xây dựng bất kỳ một công trình mỹ thuật nào ngoài trời đều cần phải gắn liền với bản sắc văn hóa đó. Việc xây dựng bức tượng Elsa không xin ý kiến của chính quyền địa phương đã khiến cho hình ảnh du lịch Sa Pa bị ảnh hưởng, trở nên xấu xí trong mắt du khách.
Ở góc độ chuyên môn, trào lưu xây dựng các công trình mỹ thuật ngoài trời một cách tự phát, không có sự tư vấn của các chuyên gia như ở Ansapa cũng thực sự đáng báo động. Tượng Elsa sẽ tháo dỡ, nhưng còn những công trình khác đang tồn tại ở đây thì đến bao giờ được tháo dỡ đây? Văn Hóa đã từng đề cập, phiên bản tượng Nữ thần Tự do dù mang “lỗi” nặng nề nhưng sự tồn tại của nó vẫn mang tư cách của một công trình mỹ thuật ngoài trời. Bức tượng là đối tượng được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Xin nhắc lại, trước thực trạng xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt tại một số khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường không gian văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội, từ năm 2018 Bộ VHTTDL đã có văn bản trong đó đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lí và tuyên truyền. Bộ VHTTDL cũng nói rõ, cần thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ- CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, những hiện tượng như thế này không thể thiếu tiếng nói từ phía các nhà chuyên môn. Trên thực tế, mỹ thuật ngoài trời tại Việt Nam đang xuất hiện dưới một diện mạo lộn xộn, thiếu quy hoạch bài bản. Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng cho rằng, nếu không xử lí đến nơi đến chốn thì sẽ tiếp tục tạo tiền lệ, làm xấu đi môi trường thẩm mỹ ở những địa điểm du lịch thu hút đông du khách. Ở đây, việc cần cảnh báo không chỉ là sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của các chủ khu du lịch mà còn là sự cần thiết phải sát sao, kiên quyết hơn nữa trong xử lí những sai phạm từ phía cơ quan quản lí ở địa phương.