Tư vấn, hỗ trợ pháp lí cho phụ nữ cao tuổi
Nhịp cầu bạn đọc 27/08/2019 08:08
Hỏi: Tôi được nghe nói rất nhiều về quyền Bình đẳng và ưu tiên của phụ nữ. Nay tôi xin phép đề nghị tòa soạn nêu những quyền và ưu tiên cơ bản để chúng tôi tiện theo dõi, đối chiếu?
Phạm Thị Lũ
(67 tuổi, xã An Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)
Trả lời: Có thể nói, quyền của phụ nữ và trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng ở Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là "bình đẳng và ưu tiên". Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu, các chính sách ưu đãi về vốn...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, bảo đảm cơ hội, điều kiện cho phụ nữ phát triển, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, nhiều quy định của pháp luật đã được ban hành như:
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 dành một chương (Chương X) quy định riêng về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Luật quy định rõ, nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng;
Chế độ hỗ trợ thai sản cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số;
Thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ theo chế độ nhà nước được tính là thời gian để xem xét, tặng danh hiệu "lao động tiên tiến", "chiến sĩ thi đua cơ sở".
Sửa đổi tuổi nghỉ hưu đối với người lao động theo hướng giữ nguyên tuổi của nữ là 55, nam là 60, giảm tuổi nghỉ hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định và tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, người làm công tác quản lí và một số trường hợp đặc biệt khác.