Truyền thống vẻ vang 370 năm chữa bệnh cứu người của Thọ Xuân Đường
Sức khỏe 23/02/2024 16:53
Thọ Xuân Đường có cội nguồn từ làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây vốn là làng văn hoá có nhiều danh nhân, khoa bảng có công lao với đất nước. Các cơ sở hiện nay của Thọ Xuân Đường ở 99 Phố Vồi, Thường Tín và số 5-7 Khu thuỷ sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo sử kí gia tộc, vào thời Hậu Lê người đầu tiên khởi thủy nghề thuốc của Thọ Xuân Đường là cụ Phùng Văn Dương. Cụ Dương được tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện triều đình nhà Lê năm 1653.
Con trai cụ Dương là Lương y Phùng Văn Đồng (1713-1783), làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện.
Nối nghiệp ông và cha mình, Lương y Phùng Văn Côn (1743-1822) là con trai cụ Đồng, cũng phục vụ trong quân y và được phong chức Tiến công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y Viện giữ chức Phó Ngự y triều đình. Như vậy, cả 3 đời họ Phùng làm thuốc đầu tiên đều làm trong Thái Y Viện của triều đình và 2 đời được phong Ngự y (xếp vào hàng quan nhất phẩm là bậc cao nhất thứ tự 9 bậc danh giá trong các đời vua).
Bệnh nhân tới Thọ Xuân Đường để thăm khám |
Đặc biệt, dưới triều vua Quang Trung (1788 -1792), cụ Phùng Văn Côn do tham gia tích cực chữa trị cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn đã được vua Quang Trung tân phong “Oanh liệt Tướng quân”, ban thưởng một đôi đũa Kim Giao thử độc và một đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều” (bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá trong triều). Đôi đũa và đồng tiền vàng “Nhất Phẩm Đương Triều” đến nay đã trở thành báu vật dòng họ Phùng cùng truyền thống làm thuốc của Thọ Xuân Đường.
Nghề làm thuốc của họ Phùng cứ tiếp tục được nối truyền để phục vụ Nhân dân. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Lương y Phùng Đức Hậu, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín (Hậu duệ đời thứ 14 của Lương y Phùng Văn Dương) đã lập ra Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tại Chợ Vồi, nay là thị trấn Thường Tín, Hà Nội. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường vừa là nơi chữa bệnh cho Nhân dân, giúp đỡ người nghèo khổ, vừa là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của nhiều chiến sĩ cộng sản như: Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động; đồng chí Bạch Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây,... và nhiều đồng chí khác. Vì những công lao với Đảng với dân, gia đình ông đã được Chính phủ trao tặng “Kỉ niệm chương” và “Bằng có công với nước”.
Nối tiếp nghề thuốc của ông cha, Lương y Phùng Đức Đỗ - Hậu duệ đời thứ 15, nguyên Chủ tịch Hội Đông y huyện Thường Tín, Uỷ viên BCH Hội Đông y thành phố Hà Nội, đã tiếp nối truyền thống của gia đình bằng trách nhiệm rèn đức, luyện tài, hướng tâm, hướng thiện, “chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình”.
Tập thể CBNV Nhà thuốc |
Kế thừa xứng đáng truyền thống gia tộc, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - truyền nhân đời thứ 16 của gia tộc họ Phùng, là người kế nghiệp Nhà thuốc Thọ Xuân Đường hiện nay. Được thừa hưởng kinh nghiệm quý báu của ông cha, bản thân trau dồi học hỏi kiến thức kinh nghiệm từ nhiều người thầy trong và ngoài nước, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang đã kế thừa xứng đáng truyền thống chữa bệnh Nam y của ông cha để lại, kết hợp kiến thức cần thiết của Tây y để bào chế ra những bài thuốc chữa nhiều loại bệnh (nhất là bệnh hiểm nghèo, bệnh khó) hiệu quả cho cộng đồng. Anh còn đi nhiều nước trên thế giới học tập, tìm kiếm các nguồn tri thức chữa bệnh bản địa đưa về Việt Nam, đồng thời đưa Nam y Việt vươn ra nước ngoài. Hơn 30 năm nay, Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang không ngừng gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tri thức bản địa về y học cổ truyền; mong muốn mang lại những giá trị bền vững không chỉ cho dòng họ mình mà cho cả nền Nam y Việt.
TS Giang chia sẻ: “Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ chữa bệnh cứu người, phải nghiêm túc thực hiện y huấn của ông cha, lời răn dạy của các thế hệ thầy thuốc tiền bối, lời dạy của Bác Hồ. Đã là người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn luôn rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trong ngành y, ngoài yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, thì đạo đức nghề nghiệp (y đức) cần được giữ gìn, củng cố và tu dưỡng thường xuyên. Y đức của người thầy thuốc là phẩm chất tốt đẹp không thể thiếu và không thể xem nhẹ, nó thể hiện ở tinh thần trách nhiệm với người bệnh, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc người bệnh”.
Xác định rằng, để phát triển Thọ Xuân Đường nói riêng và ngành y học cổ truyền của dân tộc nói chung, hoạt động nghiên cứu khoa học phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và phải tập hợp được các nhà khoa học cùng chung chí hướng, 2 viện nghiên cứu đã được thành lập. Đó là Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Sâm Ngọc Linh Việt Nam với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển công nghệ; Nghiên cứu phát triển cây thuốc quý đặc hiệu và các vùng dược liệu tập trung ở Việt Nam; Ứng dụng các giải pháp bào chế hiện đại nhằm nâng cao tăng sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của các bài thuốc cây thuốc Nam; Ứng dụng khoa học kĩ thuật vào thực tiễn sản xuất các sản phẩm đặc hiệu từ Đông Nam dược. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp tỉnh, cấp Viện được triển khai và mang lại kết quả ứng dụng cao với các sản phẩm sức khỏe từ y học cổ truyền.
Tại nhà thuốc Thọ Xuân Đường nhiều đối tượng bệnh nhân được ưu tiên miễn phí hoặc giảm chi phí điều trị như: Người già neo đơn, nhà tu hành, người hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sinh viên nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật… Trong những ngày lễ lớn, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết cổ truyền, nhà thuốc đều có quà tặng cho các cháu bệnh nhi điều trị tại đây… Mỗi năm công tác nhân đạo từ thiện tại nhà thuốc lên tới gần 500 triệu đồng.
Nhà thuốc liên tục tổ chức các đợt khám, tặng quà nhân đạo, từ thiện hằng năm cho các đối tượng thuộc: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ,…
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã tặng miễn phí 4.000 thang thuốc Thanh phế bài độc phù chính tăng hệ miễn dịch, ức chế virus, chống cảm cúm cho cộng đồng. Nhiều bài viết chuyên môn về việc phòng tránh và điều trị Sars-CoV-2 bằng y học cổ truyền được đông đảo độc giả quan tâm, chia sẻ.
Đội ngũ y, bác sĩ Thọ Xuân Đường không ngừng nghiên cứu, áp dụng các liệu pháp và bài thuốc y học cổ truyền để khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm. Hỗ trợ điều trị các bệnh như: Ung thư, loạn dưỡng cơ duchenne, xơ cứng bì, chữa thành công nhiều bệnh hen, động kinh…và nhiều bệnh lí khác.
Bệnh nhân của Thọ Xuân Đường không chỉ là người Việt Nam mà còn là các bệnh nhân đến từ nhiều nước trên thế giới, những người biết đến và đánh giá cao y học cổ truyền Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông và đội ngũ bác sĩ không biên giới.
Thọ Xuân Đường ngày nay không chỉ là một phòng khám gia truyền mà còn là phòng khám y học cổ truyền kết hợp với các máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán (Máy DDFAO Mediscan-M, đo kinh lạc vi tính, máy điều trị đa nguồn…) và các dạng thuốc viên, thuốc sắc, hoàn tán, máy sắc thuốc để thuận lợi hóa cho bệnh nhân sử dụng thuốc y học cổ truyền.
Nhiều năm qua, nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý như Siêu cúp thương hiệu nổi tiếng “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Cúp vàng “Danh y xuất sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông”, Cúp vàng “Vì sức khỏe người Việt”,... TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cũng đã được Tổ chức Kỉ lục châu Á xác lập kỉ lục “Người chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân ở các nước trên thế giới bằng Nam y Việt Nam”; “Đĩa vàng Khoa học Sáng tạo thế giới” do Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo thế giới trao tặng vì đã góp phần tôn vinh giá trị Nam y Việt Nam ra quốc tế; Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Trái tim vì sức khỏe người Việt”… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lễ kỉ niệm 370 năm truyền thống Thọ Xuân Đường sẽ được long trọng tổ chức vào ngày 25/2 tới đây.