Điều gì đã khiến Thọ Xuân Đường giữ được truyền thống cứu người 370 năm
Sức khỏe 22/03/2024 10:13
Mới đây, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã long trọng tổ chức “Lễ Kỉ niệm 370 năm truyền thống”. Tại sao một Nhà thuốc có thể duy trì đời nối đời suốt 4 thế kỉ với 17 đời liên tục và được Kỉ lục Guinness công nhận.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng Họ phùng Việt Nam đã chia sẻ được 4 thế kỉ qua nhờ có những yếu tố sau:
Thứ nhất là phải có tình yêu đối với đất nước.
Thứ hai là phải có tình yêu đối với con người.
Và thứ ba là tình yêu đối với nghề nghiệp.Về tình yêu đối với đất nước thể hiện như: Khởi thủy nghề y của Thọ Xuân Đường, 3 đời đầu đều làm Ngự y triều đình. Gồm: Cụ Phùng Văn Dương được tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện triều đình nhà Lê năm 1653. Con trai cụ Dương là lương y Phùng Văn Đồng (1713-1783), làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện. Nối nghiệp ông và cha mình, lương y Phùng Văn Côn (1743-1822) là con trai cụ Đồng, cũng phục vụ trong quân y và được phong chức Tiến công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y viện giữ chức Phó Ngự y triều đình. Đặc biệt, dưới triều vua Quang Trung (1788-1792), Ngự y Phùng Văn Côn (1743-1822) do tham gia tích cực chữa trị cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn đã được vua Quang Trung tấn phong “Oanh liệt Tướng quân”, ban thưởng một đôi đũa Kim Giao thử độc và một đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều” (bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá trong triều). Đôi đũa và đồng tiền vàng “Nhất Phẩm Đương Triều” đến nay đã trở thành báu vật dòng họ Phùng cùng truyền thống làm thuốc của Thọ Xuân Đường.
Các truyền nhân của ba đời đang giữ gìn và phát huy nghề làm thuốc của dòng họ Phùng Thọ Am. |
Rồi đến đời thứ 14 - Lương y phùng Đức Hậu, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín đã lập ra Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tại Chợ Vồi, nay là thị trấn Thường Tín, Hà Nội. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường vừa là nơi chữa bệnh cho Nhân dân, giúp đỡ người nghèo khổ, vừa là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của nhiều chiến sĩ cộng sản. Vì những công lao với Đảng với dân, gia đình ông được Chính phủ trao tặng “Kỉ niệm chương” và “Bằng có công với nước”.
Tình yêu đối với con người: Với quan điểm coi người bệnh như chính người thân yêu nên bệnh nhân ở đây luôn được quan tâm, chăm sóc, chữa lành cả thân - tâm - trí. Rất nhiều đối tượng bệnh nhân được ưu tiên miễn phí hoặc giảm chi phí điều trị như: Người già neo đơn, nhà tu hành, người nghèo hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sinh viên nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật… Nhiều trường hợp không những được nhận điều trị miễn phí mà còn được tặng tiền, tặng gạo để bệnh nhân mang về nhà.
Hằng năm, Nhà thuốc thăm khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho Hội NCT, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Tham gia tích cực các chương trình thiện nguyện tại địa phương và các chương trình do Hội Chữ thập đỏ tổ chức.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nói: “Trong tiềm thức tôi, truyền thống yêu thương người bệnh được ông bà tôi hun đúc từ thuở nhỏ. Ngày đó, ông bà tôi ngoài chữa bệnh, tặng thuốc, trồng được lúa gạo, nuôi được con lợn nào cũng mang tặng thịt, tặng gạo cho bệnh nhân, cho người nghèo và cho doanh trại bộ đội…”
Tình yêu đối với nghề nghiệp: Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói: “Khi nói đến Thọ Xuân Đường chúng tôi có một niềm tự hào riêng là vì trong dòng họ Phùng Việt Nam có một nhánh đã lưu giữ được nghề thuốc cổ truyền gần 400 năm nay. Đây là một điều rất đặc biệt, bởi có thể nhiều đời làm thuốc nhưng nhiều năm và lưu truyền được từ đời ông, đời cha, rồi đời con, đời cháu cho đến bây giờ đến 17 đời vẫn giữ được truyền thống.
Được thừa hưởng kinh nghiệm quý báu của ông cha, bản thân trau dồi học hỏi kiến thức kinh nghiệm từ nhiều người thầy trong và ngoài nước, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - truyền nhân đời thứ 16, đã kết hợp kiến thức cần thiết của Tây y, bào chế ra những bài thuốc chữa nhiều loại bệnh (nhất là bệnh hiểm nghèo, bệnh khó) hiệu quả cho cộng đồng.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang còn đi ra thế giới học tập, tìm kiếm các nguồn tri thức chữa bệnh bản địa của nước ngoài đưa về Việt Nam, đồng thời đưa Nam y Việt ra nước ngoài. Không ngừng gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tri thức bản địa về y học cổ truyền; mong muốn mang lại những giá trị bền vững không chỉ cho dòng họ mình mà cho cả nền Nam y Việt.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cũng đã được Tổ chức Kỉ lục châu Á xác lập kỉ lục “Người chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân ở các nước trên thế giới bằng Nam y Việt Nam”; “Đĩa vàng Khoa học Sáng tạo thế giới” do Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo thế giới trao tặng vì đã góp phần tôn vinh giá trị Nam y Việt Nam ra quốc tế; Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Trái tim vì sức khỏe người Việt”… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Tôi mong ước họ Phùng Thọ Am và đời thứ 17 không phải là chỉ số 17 mà 18, 19, 20 mà mãi mãi giữ được cái nghề của cha ông truyền lại”, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhấn mạnh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ:
“370 năm kế tục và phát triển, trải qua rất nhiều những năm tháng khó khăn, từ thời phong kiến cho đến nay các thầy thuốc Thọ Xuân Đường vẫn âm thầm làm nghề, giữ lửa nghề trải qua 17 thế hệ. Thời đại bây giờ ở đâu có đủ ba chữ T thì ở đó là sáng giá mà Thọ Xuân Đường hội tụ đủ cả ba chữ đó. Đầu tiên là thương hiệu, thứ hai là trí tuệ và thứ ba là tin cậy”.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang truyền nhân đời thứ 16 của gia tộc họ Phùng đúc rút kinh nghiệm quý báu:
“Đối với truyền thống của Thọ Xuân Đường mà tôi được kế thừa thì phải nói đây là thuận lợi vô cùng trong việc phát triển nghề nghiệp, nhưng nó cũng có nhiều thách thức, khó khăn đối với bản thân. Việc đầu tiên là sống làm sao, làm việc thế nào cho xứng đáng với truyền thống của ông cha, giúp người giúp đời, tích phúc hành thiện. Đấy là sứ mệnh của nhà thuốc Thọ Xuân Đường và truyền thống nhiều đời tốt đẹp của Thọ Xuân Đường đã làm điều này.
Việc thứ hai là bệnh tật luôn biến đổi hằng ngày, thuốc ngày xưa không cứu được bệnh ngày nay. Chính vì vậy phải liên tục học tập, trau dồi, nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới để làm sao cứu chữa phù hợp được những bệnh thời đại. Xã hội càng ngày càng biến đổi, bà con muốn sử dụng thuốc tiện lợi, uống ít hơn, hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy Thọ Xuân Đường đã tiếp cận với khoa học công nghệ.
Với những giá trị truyền thống như hiện nay của Thọ Xuân Đường như một di sản văn hóa phi vật thể của Đất nước với 17 đời, gần 400 năm. Tôi hi vọng trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực y học cổ truyền nói riêng và những nhà thuốc truyền thống như chúng tôi”.