Trị vị bệnh, học thuyết độc đáo của y học cổ truyền phương Đông
Sức khỏe 22/11/2022 09:25
Từ xa xưa, những thầy thuốc phương Đông cổ đại không những luôn coi trọng nghiên cứu việc trị liệu, mà còn rất chú ý đến y học dự phòng. Với học thuyết “Trị vị bệnh”, đông y yêu cầu các thầy thuốc cần quán triệt quan điểm “dùng thuốc tuy tốt, nhưng không dùng còn tốt hơn”. Ngoài ra, cần có sự hiểu biết cả về y dược học với thiên văn học, địa lí học, triết học, nông học, số học, âm luật học, đạo học, phật học, ẩm thực dinh dưỡng, binh pháp, chính pháp, khí công,... để làm cơ sở thực hiện tốt nhất học thuyết “trị vị bệnh” vì sức khỏe của cộng đồng. Có thể dẫn ra dưới đây một số đoạn kinh văn bàn luận về vấn đề này.
Sách “Tố vấn - Tứ khí điều thần đại luận” viết: “Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh, bất trị dĩ loạn trị vị loạn, thử chi vị dã. Phu bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú bình, bất diệc vãn hồ!” (Là thầy thuốc giỏi, không trị khi đã mắc bệnh, mà trị từ lúc chưa mắc bệnh; không trị khi đã loạn mà trị lúc chưa loạn. Nếu mắc bệnh rồi mới uống thuốc, để loạn lạc rồi mới trị, chẳng khác gì lúc khát mới đào giếng, sắp đánh nhau mới đúc đồ binh, thì cũng đã muộn lắm sao).
Sách “Tố Vấn - Âm dương ứng tượng đại luận” viết: “Tà phong chi chí, tật như phong vũ, cố thiện trị giả trị bì mao, kì thứ trị cơ phu, kì thứ trị cân mạch, kì thứ trị lục phủ, kì thứ trị ngũ tạng. Trị ngũ tạng giả, bán tử bán sinh dã” (Phong tà đến, bệnh như phong vũ, người chữa trị giỏi thì chữa ngay lúc tà khí còn ở bì mao, bậc thứ tiếp trị bệnh ở cơ phu, bậc thứ tiếp thì chữa khi tà khí đã vào tới cân mạch, lại bậc thứ tiếp trị bệnh khi tà khí vào tới lục phủ, lại bậc thứ tiếp trị bệnh khi tà khí vào tới ngũ tạng. Trị tại ngũ tạng, thì một nửa thành công, một nửa thất bại).
Sách “Linh khu - Quan năng” viết: “Thị cố thượng công chi thủ khí, nãi cứu kì manh nha; Hạ công thủ kì dĩ thành, nhân bại kì hình.” (Người thầy thuốc giỏi trị bệnh khi bệnh vừa nảy sinh, người thầy thuốc kém cỏi trị bệnh khi bệnh đã thịnh, vì thế dễ thất bại).
Sách “Linh Khu - Thuận nghịch” viết: “Thượng công, thích kì vị sinh giả dã. Kì thứ, thích kì vị thịnh giả dã. Kì thứ, thích kì dĩ suy giả dã. Hạ công, thích kì phương tập giả dã, dư kì hình chi thịnh giả dã, dư kì bệnh chi dư mạch tương nghịch giả dã. Cố viết, phương kì thịnh dã, vật cảm hồi thương, thích kì dĩ suy, việc tất đại xương. Cố viết, thượng công trị vị bệnh, bất trị dĩ bệnh, thử chi vị dã.” (Người thầy thuốc giỏi châm cứu khi chưa sinh bệnh. Kế tiếp, châm cứu khi bệnh chưa nặng. Kế tiếp, châm khi bệnh đã đỡ. Người thầy thuốc kém cỏi, châm cứu bằng cách đánh úp, khi bệnh đã phát triển mạnh, bệnh và mạch tương phản. Vì vậy, người thầy thuốc giỏi chữa bệnh khi chưa có bệnh).
Sách “Tố Vấn - Di tinh biến khí luận” viết: “Thô công hung hung, dĩ vi khả công, cố bệnh vị dĩ, tân bệnh phục khởi.” (Người thầy thuốc dốt nát là hay liều lĩnh, cho là bệnh có thể trị bằng phép “công”, khiến cho bệnh cũ chưa khỏi bệnh mới lại sinh ra).
Sách “Tố Vấn - Thích nhiệt luận” viết: “Thận nhiệt bệnh giả di tiên xích, bệnh tuy vị phát, kiến xích sắc giả thích chi, danh viết trị vị bệnh.” (Người bị thận nhiệt, thấy mép đỏ trước, bệnh tuy chưa phát, nhưng nhìn thấy sắc đỏ thì tiến hành châm cứu luôn, thế gọi là Trị vị bệnh).
Từ vài đoạn trích dẫn trên đây, có thể thấy người thầy thuốc thời xưa vô cùng coi trọng việc phòng bệnh nhằm mục đích để không sinh bệnh hoặc ít sinh bệnh, chú ý phát hiện và trị liệu bệnh sớm, coi vấn đề điều trị bệnh từ thời kì bệnh mới phát sinh là điều quan trọng. Đoạn thứ nhất chủ yếu bàn về vấn đề không nên đợi bệnh hình thành mới điều trị hay nói cách khác là phải dự phòng tích cực và điều trị dự phòng. Đoạn thứ 2 và 3 bàn về vấn đề phải phát hiện bệnh sớm và điều trị từ khi bệnh mới nảy sinh hay nói cách khác là phải có quan điểm dự phòng trong trị liệu. Đoạn 4 và 5 bàn về vấn đề trị bệnh như dùng binh, cần nắm vững thời cơ để có thể thành công, không nên để đến khi chính khí đã bị tổn thương mới trị liệu hay nói cách khác là phải tiên lượng được sự phát triển của bệnh để điều trị kịp thời, cũng có nghĩa là phải dự phòng trong trị liệu. Đoạn 6 chỉ ra rằng phải chú ý phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh tại thời điểm bệnh chưa phát và khẩn trương trị liệu để cho bệnh không thể phát ra được, đây cũng chính là nội dung phòng bệnh hơn chữa bệnh của y học cổ truyền.
Sau “Hoàng đế nội kinh”, tư tưởng học thuyết “Trị vị bệnh” đã được các thầy thuốc đời sau tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong cả lí luận và thực tiễn. Ví như, trong sách “Nạn kinh”, nạn thứ 77 viết: “Kinh ngôn thượng công trị vị bệnh, trung công trị dĩ bệnh giả hà tất dã? Nhiên, sở vi trị vị bệnh giả, kiến can chi bệnh, tắc tri can đương truyền chi dư tì. Cố tiên thực tì khí, vô lệnh đắc thụ can chi tà. Cố viết Trị vị bệnh. Trung công kiến can chi bệnh, bất hiểu tương truyền, đãn nhất tâm trị can. Cố viết Trị dĩ bệnh dã” (Người thầy thuốc giỏi có thể chữa bệnh khi bệnh chưa phát, thầy thuốc bình thường chỉ có thể chữa bệnh khi bệnh đã phát, điều này giải thích như thế nào? Nói chữa bệnh khi bệnh chưa phát, biết can mộc khắc tì thổ, thấy can bị bệnh tất sẽ truyền đến tì, cho nên trước tiên phải làm cho tì khí đầy đủ trong khi chữa bệnh ở can. Người thầy thuốc bình thường thấy biểu hiện bệnh ở can nhưng không hiểu can ảnh hưởng đến tì, nên chỉ tập trung chữa can bệnh mà thôi).
Nạn thứ 13 cũng viết: “Tri nhất vi hạ công, tri nhị vi trung công, tri tam vi thượng công. Thượng công giả thập toàn cửu, trung công giả thập toàn bát, hạ công giả thập toàn lục, thử chi vị dã” (biết 1 là bậc hạ công, biết 2 là bậc trung công, biết 3 là bậc thượng công. Bậc Thượng công 10 người chữa khỏi 9, bậc trung công 10 người chữa khỏi 8, bậc hạ công 10 người chỉ chữa khỏi có 6).
Trong sách “Kim quỹ yếu lược”, phần thứ nhất có viết: “Trị vị bệnh, kiến can bệnh, tri can truyền tì, đương tiên thực tì. Tứ quý tì vương bất thụ tà, tức vật bổ chi”. (Trị vị bệnh, thấy bệnh ở can, biết bệnh ở can sẽ truyền đến tì, trước tiên phải làm mạnh tì khí. Tì mạnh bốn mùa không bị tà khí xâm nhập thì không cần phải bổ tì).