TP Hồ Chí Minh: Đáp ứng đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Tết
Xã hội 23/12/2022 10:22
Dự báo, nguồn hàng Tết năm nay sẽ được bảo đảm nhưng nhiều người vẫn lo lắng về giá cả lương thực, thực phẩm có thể tăng. Tuy nhiên, ngành Công Thương thành phố khẳng định, đã có kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa cho Tết, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất thường.
Thực tế, nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị (khoảng 25-30%), còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm. Chỉ riêng 3 chợ đầu mối, dự kiến cận Tết, lượng hàng nhập về lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày, tăng 80% so với ngày thường. Tại 47 trung tâm thương mại, 240 siêu thị, 3.019 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tổng lượng hàng thực phẩm thiết yếu, lương thực cung ứng ra thị trường 1.800 tấn/ngày. Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết 2023, doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết, một tháng sau Tết. Đặc biệt, hai ngày cận Tết, các doanh nghiệp còn giảm giá sâu mặt hàng thịt lợn, trứng gia cầm, thịt gà...
Siêu thị chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Theo Công ty Vissan TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp Tết 2023, từ tháng 6/2022, Công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu để bước vào mùa sản xuất cao điểm. Năm nay, đơn vị dự kiến cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm thịt tươi, tăng 30% so với cùng kì 2022 và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kì. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết hơn 710 tỉ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ có giá ổn định, Vissan cam kết giữ giá bán thực phẩm, đặc biệt hàng chế biến ở mức bình ổn, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá các sản phẩm thịt chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5 đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty.
Với trứng gia cầm, Công ty Ba Huân (TP Hồ Chí Minh) đã dự trữ lượng thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết với nông dân nuôi vịt, tăng đàn gà đẻ... để tăng nguồn cung trứng cho thị trường cuối năm, trong đó dịp cao điểm có thể bán ra 1,2 triệu quả/ngày.
Được biết, thành phố đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng từ nhiều tháng trước. Theo đó, đã có hơn 30.000 tấn hàng hóa để cung ứng. Bảo đảm cung - cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị 40.000 tấn hàng hóa trong 2 tháng Tết. Cụ thể, các doanh nghiệp đã dự trữ 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị.
Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành hàng thiết yếu, nguồn hàng Tết năm nay bảo đảm dồi dào, nhưng về mặt giá cả, có thể tăng 2-4%, nhưng chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn. Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để giữ giá.
Ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp sản xuất tiếp cận thị trường về lãi suất, về kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng các tỉnh, thành tổ chức chương trình “Kết nối cung - cầu” nhằm xây dựng thêm các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp thành phố có thêm lượng hàng thiết yếu, đặc biệt cho mùa tiêu dùng cao điểm Tết. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ kết hợp hệ thống phân phối để chia sẻ chiết khấu, hạn chế áp lực giá.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán, ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã khuyến cáo các kênh phân phối cần lựa chọn kĩ hơn đối tác của mình, giám sát quá trình sản xuất. Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kiểm tra việc này; Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên làm việc với các hệ thống phân phối.